Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VKFTA sẽ giúp thúc đẩy quan hệ Việt-Hàn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam-Hàn Quốc đang có những bước phát triển tốt hơn về chất và lượng.

Những ngày này, tại Seoul, Hàn Quốc và Việt Nam đang diễn cuộc đàm phán tiếp theo về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) (ngày 8-12/12). 

Đây là vòng đàm phán thứ 9 và là vòng đám phán có ý nghĩa quyết định để đi đến ký kết VKFTA vào năm tới. 

Cũng trong những ngày này, chuyến thăm Hàn Quốc và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối thoại ASEAN-Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (bắt đầu từ ngày 10/12) đang là những sự kiện đặc biệt quan trọng để đưa mối quan hệ vốn đã phát triển ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Được khởi động từ năm 2012, quá trình đàm phán về VKFTA liên tục được thúc đẩy với những cam kết chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo hai quốc gia. 

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tại vòng đàm phán thứ 9 đang diễn ra, hai bên hy vọng sẽ xóa bỏ những khúc mắc về hàng rào thuế quan, dịch vụ và đầu tư, những rào cản lớn nhất để đi đến thống nhất và ký kết. 

Các chuyên gia đang hy vọng đàm phán về VKFTA sẽ kết thúc vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Nếu điều này thành hiện thực, VKFTA sẽ trở thành một hiệp định kỷ lục trong tốc độ đàm phán so với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Nếu như những hiệp định tự do hóa thương mại thường đi kèm với nỗi lo các doanh nghiệp nội địa có thể bị mất lợi thế ngay chính trên sân nhà, thì VKFTA sẽ hạn chế được tối đa điều này. 

Các chuyên gia cho rằng, trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, là mối quan hệ có tính bổ sung nhau. Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam những mặt hàng mà Việt Nam chưa sản xuất được và rất cần cho nền kinh tế Việt Nam và Việt Nam cũng xuất khẩu sang Hàn Quốc những mặt hàng nền kinh tế Hàn Quốc cần thiết. 

Cụ thể, Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, đồ gỗ, hàng nông sản. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị, sắt thép hay phương tiện vận tải.

Tại Hội thảo Giao thương doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc do Bộ Công Thương phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức mới đây, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ cho phép nhiều hàng hóa của Việt Nam được cắt giảm thuế sâu hơn và nhanh hơn so với FTA Hàn Quốc-ASEAN. 

Đặc biệt, những dòng thuế thuộc hạng mục nhạy cảm và nhạy cảm cao như nông sản, thủy sản sẽ được cắt giảm nhiều hơn và nhanh hơn khi nhập khẩu vào Hàn Quốc.

Còn theo ông Shinn Tea Yong, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA), VKFTA sau khi ký kết sẽ mang lại nhiều cơ hội giao thương cho doanh nghiệp 2 nước. 

“Chúng tôi kỳ vọng sự mở rộng danh mục thông thương giữa hai nước với khoảng 19.000 mục sản phẩm của Hàn Quốc và 6.000 mục sản phẩm của Việt Nam theo VKFTA sẽ nhận được ưu đãi và hỗ trợ tích cực.” Ông Shinn Tea Yong nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, các ngành Việt Nam có thế mạnh như dệt may, thủy sản, giày dép..., có nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ sang thị trường Hàn Quốc khi VKFTA được thông qua. 

Những doanh nghiệp có năng lực sản xuất tốt, có thâm niên xuất khẩu, sẵn đối tác, sẽ có nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt trong những năm đầu FTA có hiệu lực.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Khu vực sản xuất tại Lạng Giang, thuộc Công ty CP May Bắc Giang, cho biết 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 130 triệu USD của doanh nghiệp này là xuất khẩu sang Hàn Quốc, nên những năm gần đây, đặc biệt từ 2010 đến nay, 149 dây chuyền may tại ba khu vực sản xuất chính luôn hoạt động hết công suất.

Hiện tại, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hàn Quốc đang có nhiều thuận lợi, và hiện tại, khu vực sản xuất tại Lạng Giang đã ký được hợp đồng xuất khẩu sang Hàn Quốc hết quý 1/2015. 

Cũng theo ông Thắng, Công ty có kế hoạch tăng thêm số lượng dây chuyền may để đáp ứng đơn đặt hàng gia tăng từ thị trường này, để không bỏ lỡ cơ hội gia tăng xuất khẩu khi VKFTA kết thúc đàm phán và được thông qua trong tương lai gần.

Trong khi đó, lĩnh vực thủy sản cũng nằm trong danh sách các mặt hàng được hưởng lợi nhiều về giảm thuế, gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc khi VKFTA có hiệu lực. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hàn Quốc đã lấy lại vị trí thứ tư (sau Mỹ, EU, Nhật Bản) trong nhóm các nước nhập khẩu thủy sản Việt Nam sau khi tụt hạng trong năm 2013. 

Việt Nam còn là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 của Hàn Quốc, chiếm 13,2% thị phần, chỉ sau Trung Quốc (28%) và Nga (14%).

Quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam-Hàn Quốc đang có những bước phát triển tốt hơn về chất và lượng, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Hàn Quốc (AKFTA) được ký kết. 

Theo số liệu Bộ Công Thương, thương mại hai chiều đã tăng gần 55 lần, từ 0,5 tỷ USD (năm 1992) lên 21,09 tỷ USD (năm 2013). 

Riêng 10 tháng năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt gần 24 tỷ USD tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Năm 2013, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc. 

Về đầu tư, lũy kế đến hết tháng 10/2014, Hàn Quốc đã có 4.020 dự án đầu tư mới vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 33,4 tỷ USD và xếp thứ 2/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam (chiếm 23% tổng số dự án và 13,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam).