Ông cũng công bố các thỏa thuận mới với Trung Quốc và Myanmar liên quan đến khí đốt và dầu mỏ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thừa nhận một số lĩnh vực của nền kinh tế Nga đang phải chịu đựng do các lệnh trừng phạt và áp lực chính trị, mà ông gọi là "sự xâm lược kinh tế, tài chính và công nghệ của phương Tây", nhưng vẫn lạc quan trong việc xây dựng mối quan hệ mới với châu Á.
Tại diễn đàn nói trên, ông Putin có bài phát biểu, bình luận: "Những thách thức khác có tính chất toàn cầu đe dọa toàn thế giới đã thay thế cho đại dịch. Tôi đang nói đến cơn sốt trừng phạt của phương Tây, với nỗ lực trơ trẽn và hung hăng áp đặt các mô hình hành vi lên các quốc gia khác, nhằm tước đoạt chủ quyền của họ và phục tùng họ theo ý muốn của họ".
Ông Putin nói thêm: "Dù ai đó có muốn cô lập nước Nga đến đâu thì cũng không thể làm được điều này".
Trong bài phát biểu của mình, ông Putin nói rằng Nga đã "bị lừa" bởi một thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc đạt được với Ukraine vào tháng Bảy. Thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp quốc làm trung gian nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới khỏi một cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập.
Tổng thống Nga tuyên bố chỉ có 2 trong số 87 tàu đến các nước nghèo và nói rằng Nga đã không thể tiếp tục xuất khẩu phân bón đã được hứa hẹn như một phần của thỏa thuận. Ông Putin cho biết hiện ông sẽ xem xét hạn chế các điểm đến xuất khẩu ngũ cốc theo thỏa thuận.
Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai sau Saudi Arabia.
Ông Putin cho biết Nga sẽ từ bỏ các hợp đồng năng lượng nếu các nước G7 áp trần giá dầu của Nga, đe dọa cắt giảm dòng khí đốt đến châu Âu. Ông nói: "Liệu có bất kỳ vấn đề gì về giá trị chính mà mâu thuẫn với các hợp đồng không? Đúng vậy, chúng tôi sẽ không thực hiện chúng. Chúng tôi sẽ không cung cấp bất kỳ thứ gì nếu nó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi”.
Trong bài phát biểu của mình, ông Putin đã đưa ra một tầm nhìn mới cho hợp tác toàn cầu về kinh tế. "Các nước phương Tây đang cố gắng duy trì một trật tự thế giới trước đây chỉ có lợi cho họ, buộc mọi người phải sống theo những quy tắc mà chính họ đã tạo ra và thường xuyên vi phạm những quy tắc đó. Họ cũng liên tục thay đổi những quy tắc đó tùy theo hoàn cảnh hiện tại" - Tổng thống Nga nói.
Ông Putin tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ mua khí đốt từ công ty năng lượng Gazprom với tỷ lệ 50 - 50 đồng ruble của Nga và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Các cơ quan chức năng Nga cho biết ông Putin dự kiến gặp ông Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - SCO ở Uzbekistan vào tuần tới.
Trong một bài phát biểu trước EEF 2022, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng hoan nghênh hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong lĩnh vực năng lượng.
Ông Putin cũng đã gặp lãnh đạo quân đội Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing. Hãng thông tấn RIA đưa tin, Myanmar đã đồng ý mua các sản phẩm dầu của Nga và thanh toán bằng đồng ruble.
Tại EEF 2022, trước sự cô lập kinh tế của phương Tây với rất nhiều biện pháp trừng phạt, Nga đang cố gắng tìm những chính sách, giải pháp cũng như đối tác mới nhằm tháo gỡ khó khăn, xoay chuyển tình hình. Trong đó, việc xoay trục sang châu Á, nơi có mức tăng trưởng kinh tế lớn nhất toàn cầu trong nhiều năm qua, đang được Tổng thống Nga Vladimir Putin ưu tiên áp dụng.