VN-Index đi tàu lượn phiên ATC
Hiệu ứng giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã khiến tâm lý nhà đầu tư hưng phấn trong phiên sáng 20/9 giúp cả thanh khoản và điểm số đều tăng mạnh, phần lớn thời gian duy trì quanh mức tăng 10 điểm. Tuy nhiên sang đến phiên chiều, VN-Index suy yếu dần và thậm chí trong phiên ATC có lúc bảng điện báo giảm tới gần 15 điểm do ảnh hưởng từ việc một số quý ETF tái cơ cấu danh mục, nhưng dần cần bằng để kết phiên tăng nhẹ 0,77 điểm.
Thanh khoản tăng vọt lên 24 nghìn tỷ đồng chính là điểm sáng trong phiên hôm nay, nhưng không có sự bùng nổ về điểm số, đây cũng là lý do khiến VN-Index “đổ đèo” trong phiên chiều.
Về mức độ ảnh hưởng, ACB, HPG, TCB và MBB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với hơn 2,6 điểm tăng. Ở chiều ngược lại, VCB, VIC, VHM và VNM là những mã có tác động tiêu cực nhất và lấy đi 2,4 điểm từ chỉ số.
Cổ phiếu bất động sản hôm nay bị bán ròng mạnh mẽ. Các cổ phiếu trong nhóm ngành này đều giảm trên 1% có thể kể đến như: VIC, VPI, NLG, SIP, DXG, DXS.
Cổ phiếu ngân hàng lại diễn biến trái chiều khi 3 cổ phiếu ngân hàng quốc doanh đều không ghi nhận sắc xanh, trong đó VCB và BID giảm lần lượt 0,98% và 0,41%, còn CTG đứng giá tham chiếu. Ngược lại, cổ phiếu các ngân hàng tư nhân lại giao dịch hết sức tích cực, với ACB tăng 3,43% cùng hàng loạt mã tăng trên 1% như TCB, VPB, MBB, LPB, STB.
VPB hôm nay là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với 52 triệu cổ phiếu được sang tay trong phiên.
Ngành năng lượng là nhóm có đà tăng mạnh nhất với 2,54% chủ yếu đến từ các ông lớn ngành dầu khí PVS (+2,97%), PVD (+5,05%), BSR (+2,14%), PVB (+5,65%) và PVC (+3,15%) sau khi thông tin Siêu dự án Lô B - Ô Môn của PVN chính thức khởi công với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội phát triển cho ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian tới.
Theo sau là ngành công nghiệp và ngành tiêu dùng thiết yếu với mức tăng lần lượt là 0,65% và 0,53%. Ở chiều ngược lại, ngành viễn thông vẫn không thể thoát khỏi sắc đỏ và có mức giảm mạnh nhất thị trường với -2.09% chủ yếu đến từ mã VGI (-2,78%), CTR (-1,34%), FOX (-0,11%) và TTN (-2%).
Sau 4 phiên mua ròng, khối ngoại hôm nay đã quay trở lại bán ròng 311 tỷ đồng, trong đó VHM là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với 268 tỷ đồng, tiếp đến là VIX 192 tỷ đồng, VNM 177 tỷ đồng... Ở chiều ngược lại, khối ngoại tiếp tục mua ròng SSI 193 tỷ đồng, TCB 124 tỷ đồng.
Hơn 44 triệu cổ phiếu Hòa Phát được sang tay
Phiên giao dịch ngày 20/9, cổ phiếu HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát giao dịch sôi động với hơn 44 triệu cổ phiếu được sang tay, thị giá thuộc nhóm tăng tốt nhất trong VN30, tăng 1,68%, đạt 25.650 đồng/cp. Đây cũng là phiên hồi phục thứ 3 của cổ phiếu HPG sau khi rơi về 24.850 đồng/cp (phiên 16/9) - mức thấp nhất trong vòng 8 tháng, kể từ giữa tháng 1/2024.
Phiên tăng gần đây đã đưa vốn hóa của HPG đạt 164 nghìn tỷ đồng, vượt qua VIC đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcap (VCI) nhận định HPG vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt đà phục hồi sản lượng bán thép trong nước nửa cuối năm 2024. Trong 7 tháng đầu năm 2024, doanh số bán thép xây dựng của HPG đã tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng trưởng của ngành là 13%, và giúp nâng thị phần lên mức kỷ lục 37,9%.