VN-Index tăng liên tiếp, thanh khoản vẫn èo uột

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thị trường chứng khoán ghi nhận tuần giao dịch (từ 9-13/10/2023) đầy tích cực khi hồi phục trở lại sau chuỗi liên tiếp 4 tuần giảm điểm trước đó. Mặc dù các phiên giao dịch trong tuần đều tăng điểm nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Dù tăng điểm nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp
Dù tăng điểm nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp

Nhà đầu tư thận trọng

Phiên cuối tuần (13/10), các chỉ số chính tăng điểm, kết phiên, VN-Index tăng 3,12 điểm, lên mức 1.154,73 điểm; HNX-Index tăng 0,61 điểm, kết phiên lên mức 239,05 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng tăng 26,19 điểm (+2.32%), HNX-Index tăng 8,6 điểm (+3.73%).

Về giao dịch khối ngoại, trên HOSE, khối ngoại bán ròng với giá trị xấp xỉ 277 tỷ đồng

Tại chiều mua, DGC được mua ròng mạnh nhất với giá trị 52 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KDH xếp tiếp theo danh sách mua ròng mạnh trên HOSE với 28 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại cũng mua ròng SSI với giá trị là 25 tỷ đồng.

Trước đó, phiên 12/10, sau khi suýt mất mốc tham chiếu, kết phiên, chỉ số VN-Index tăng 0,8 điểm, tương đương 0,07%, lên 1.151,61 điểm. Trong phiên này, có 373 mã tăng giá, 331 mã giảm giá và 848 mã đứng giá.

Tâm điểm trong phiên là cổ phiếu bất động sản khi sắc xanh là chủ đạo, nhất là ở các cổ phiếu vốn hoá trên trung bình. Thống kê cho thấy, trong nhóm 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index, một nửa là cổ phiếu bất động sản. Các mã tăng mạnh có thể kể đến: VIC tăng 2,31%, NVL tăng 2,77%, KDH tăng 2,57%, PDR tăng 3,84%, ITA tăng 6,03%, SJS tăng 2,35%. Khá nhiều mã tăng trên 1% như KBC, DIG, VPI, NLG, HDC, DXS. Cổ phiếu ngân hàng chủ yếu biến động trong biên độ hẹp dưới 1%. Sàn HoSE chỉ có TPB (tăng 2,69%) và EIB (giảm 1,13%) là biến động trên mức này.

Cổ phiếu chứng khoán phân hoá. Trong khi SSI giảm 1,18%, VIX giảm 0,93%, BSI giảm 1,42%, AGR giảm 1,14%, TVS giảm 1,51% thì VCI lại tăng 1,19%, HCM tăng 1,12%, CTS tăng 0,36%, ORS tăng 0,27%.

Thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán

Tại hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết” tổ chức tuần qua, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết: Bộ Tài chính, UBCKNN đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy lộ trình được nâng hạng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Theo đó, về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng tiêu chuẩn nâng hạng thị trường, bao gồm: tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; đơn giản hóa thủ tục đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư; và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin minh bạch và công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, cơ quan quản lý TTCK thường xuyên tổ chức đối thoại với các định chế đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức cung cấp chỉ số, các ngân hàng lưu ký và các thành viên thị trường. Nội dung các cuộc gặp để trao đổi, cập nhật nhằm kịp thời nắm bắt thông tin về vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tài chính quốc tế, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán; cũng như làm rõ các yêu cầu, tiêu chí đánh giá của các tổ chức xếp hạng thị trường; từ đó có các giải pháp, chính sách sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam.

“Hiện tại, dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, song vẫn còn một số tiêu chí cần tiếp tục được hoàn thiện, trong đó có việc nâng cao tính minh bạch và chất lượng công bố thông tin của các doanh nghiệp tham gia trên thị trường. Đây cũng là nền tảng cho TTCK hoạt động lành mạnh, ổn định và bền vững” – ông Phạm Hồng Sơn cho biết.

Đại diện Quỹ Vinacapital cho rằng, nâng hạng TTCK Việt Nam là cần thiết. Với quy mô tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm qua, việc Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên được ví như "một con cá lớn nằm trong ao nhỏ", do Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường cận biên, lên đến 29% trong chỉ số thị trường cận biên của MSCI và 38% trong chỉ số của FTSE Russell. “Các nước xếp ngay sau Việt Nam chỉ có tỷ trọng trên dưới 10%. Do đó, việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là cần thiết và xứng tầm với quy mô của TTCK Việt Nam. Việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ chỉ số”- ông này nói.