VNPT sẵn sàng cho “cuộc chơi lớn” về Data Center

Trang Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần trước, Trung tâm dữ liệu Data Center Nam Thăng Long của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã chính thức trở thành một trong 2 đơn vị đầu tiên của Việt Nam nhận Chứng chỉ Uptime Tier III do Uptime Institute - đơn vị chuyên đánh giá các Data Center uy tín nhất thế giới của Mỹ chứng nhận.

Ông Nguyễn Hiền Khanh - Giám đốc Trung tâm dữ liệu của VNPT khẳng định, với chứng chỉ này, VNPT sẽ có điểm tựa để “chơi một cuộc chơi lớn” về Data Center.
Vì sao nói Chứng chỉ Uptime Tier III là điểm tựa cho một “cuộc chơi lớn” về Data Center của VNPT, thưa ông?
- Mới đây, Chính phủ đã chính thức “bật đèn xanh” cho phép các DN Nhà nước thuê ngoài các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT). Nhu cầu tăng nhanh khiến cho các nhà cung cấp dịch vụ Data Center đã nhanh chóng tham gia thị trường tiềm năng này. Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê Data Center ở Việt Nam đều xuất phát từ chỗ xây dựng để phục vụ nhu cầu của bản thân rồi mở rộng để cho thuê.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo tính toán, chi phí để xây dựng một Data Center thường từ 5.400 - 13.000 USD/m2 và mất từ 9 - 18 tháng. Như vậy, việc thuê máy chủ sẽ giúp DN tiết kiệm 50 - 70% chi phí này. Không chỉ có vậy, thuê ngoài các dịch vụ trung tâm dữ liệu cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí nhân lực và bảo dưỡng bảo trì.
Rõ ràng, hiệu quả kinh tế xét về quy mô, chuyên môn và độ linh hoạt thì việc thuê ngoài dịch vụ lưu trữ dữ liệu là một lựa chọn hiệu quả nhất cho DN. Khi đó, các DN không cần phải quan tâm đến các vấn đề thời gian khấu hao, đầu tư có lãi hay công nghệ đã bị lỗi thời. Việc duy nhất DN cần làm là xác định chính xác tài nguyên mình cần và yêu cầu.
Chính những lý do này khiến thị trường dịch vụ thuê và cho thuê dịch vụ Data Center đang ngày càng sôi động và bùng nổ tại Việt Nam. Tại Việt Nam, mặc dù có khá nhiều trung tâm dữ liệu được thiết kế và vận hành theo chuẩn Uptime Tier III, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Data Center Nam Thăng Long là một trong 2 trung tâm nhận được chứng chỉ Uptime Tier III. Vì vậy, cơ hội với VNPT là rất lớn và đó cũng là cơ sở để chúng tôi có thể “chơi cuộc chơi lớn” về Data Center.
Nhưng cuộc chơi này có “lớn” được hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu thuê ngoài của DN. Điều gì khiến ông nghĩ rằng sẽ có nhiều tổ chức, DN thuê ngoài dịch vụ Data Center khi mà thực tế hiện nay vẫn còn không ít đơn vị chưa thực sự quan tâm tới vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu?
- Các vụ tấn công vào hệ thống dữ liệu gần đây thường xuyên xảy ra, đặc biệt là các ngân hàng, hàng không thường xuyên là đối tượng mục tiêu của tội phạm CNTT. Do đó, các DN đang dần thay đổi quan niệm, thay vì dữ liệu phải ở kề bên mình, DN chuyển sang quan niệm cần phải lưu trữ dữ liệu ở nơi an toàn và phải dự phòng (back up) ở nhiều địa điểm khác nhau.
Thứ nữa, theo số liệu từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong năm 2015, Việt Nam đã phải hứng chịu 31.500 vụ tấn công mạng. Các cuộc tấn công lừa đảo (phishing) tăng 4 lần và các cuộc tấn công phần mềm độc hại tăng gần gấp đôi so với năm 2014.
Rõ ràng an ninh mạng hiện vẫn là một vấn đề cấp thiết ở Việt Nam, và các tổ chức, DN rất dễ trở thành mục tiêu của tội phạm mạng.
Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê Data Center, việc sở hữu chứng chỉ Hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 được đánh giá là một trong những căn cứ quan trọng về khả năng đảm bảo an toàn thông tin trong vận hành dịch vụ, đảm bảo hoạt động của hệ thống, dịch vụ luôn thông suốt và an toàn, không bị gián đoạn bởi các sự cố liên quan đến thông tin, dữ liệu.
Nhu cầu thuê Data Center chắc chắn là một xu hướng tất yếu, và Data Center cũng như một ngôi nhà. Tôi nghĩ mọi người, đặc biệt là DN đều muốn ngôi nhà của mình được an toàn nhất.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự báo còn tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là ở lĩnh vực công nghệ cao, kéo theo đó là nhu cầu lớn về dịch vụ thuê ngoài Data Center. Điều này mở ra cơ hội như thế nào cho VNPT?
- Các chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài đang biến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Đối với lĩnh vực CNTT, Việt Nam được xếp trong top 10 nước hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương và 30 của thế giới về gia công và phát triển phần mềm.
Theo báo cáo của Gartner (công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu về CNTT) trong năm 2014, TP Hồ Chí Minh xếp thứ 7 và Hà Nội xếp thứ 22 trong Top 100 TP hấp dẫn về gia công phần mềm. Từ năm 2012, Việt Nam đã trở thành đối tác gia công phần mềm lớn thứ hai của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, xu thế chuyển dịch kinh tế toàn cầu thì hiện nay Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nước châu Âu đang có xu hướng chọn Việt Nam là Trung Quốc + 1 để đảm bảo không bị phụ thuộc quá vào Trung Quốc. Do vậy, các nước này trong thời gian qua đã tiến hành và chuyển dịch một phần đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là một điều kiện hết sức thuận lợi để Việt Nam phát triển các ngành công nghệ cao của nền kinh tế, trong đó có dịch vụ cho thuê Data Center.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần