Dồn dập thoái vốn
Ngay đầu tháng 3/2015, VNPT đã tiến hành thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán NT2). Cụ thể, từ ngày 2/3/2015 đến 5/3/2015, VNPT đã hoàn tất việc bán nốt 4.911.900 cổ phiếu NT2 còn lại mà VNPT nắm giữ, với giá 22.000 - 23.800 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 110 tỷ đồng.
Trước đó, từ ngày 14/1 đến 12/2/2015, VNPT đã bán được 7.888.100 cổ phiếu NT2, thu về gần 180 tỷ đồng.
Hiện tại, VNPT đang chào bán đấu giá phần vốn nhà nước tại hơn chục doanh nghiệp khác. Cụ thể, VNPT chào bán 200.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng bưu chính - viễn thông Vũng Tàu (VPC), với mức giá khởi điểm 29.270 đồng/cổ phiếu; bán 220.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và Xây lắp viễn thông Đà Lạt, với mức giá khởi điểm 34.800 đồng/cổ phiếu; bán 200.000 cổ phiếu tại Công ty cổ phần Thiết bị và Xây lắp bưu điện Nghệ An, với mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu; bán 15.000 cổ phiếu Công ty cổ phần Xây lắp Bưu điện Huế, với mức khởi điểm 176.500 đồng/cổ phiếu; chào bán 10.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây lắp và Dịch vụ bưu điện Khánh Hòa, với giá khởi điểm 53.100 đồng/cổ phần; chào bán 20.000 cổ phiếu tại Công ty cổ phần Xây lắp và Dịch vụ bưu điện Kiên Giang, giá khởi điểm là 260.900 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, VNPT còn chào bán đấu giá phần vốn góp tại Công ty cổ phần Phát triển viễn thông Bắc Miền Trung, Công ty cổ phần Xây lắp và Dịch vụ bưu điện Cà Mau, Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp viễn thông Bạc Liêu, Công ty cổ phần Cadico, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng bưu chính - viễn thông, Công ty cổ phần Thiết kế viễn thông - tin học Đà Nẵng.
Theo đại diện VNPT, việc tổ chức bán đấu giá phần vốn góp của VNPT tại các doanh nghiệp kể trên vào cuối tháng 3/2015 nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015. Theo đề án này, VNPT sẽ phải thoái hết vốn mà Tập đoàn đang nắm giữ tại 63 doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh chính hoặc ngành nghề kinh doanh có liên quan với ngành nghề kinh doanh chính của VNPT.
Thoái hết vốn ngoài ngành trong năm 2015
Theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015, thì 63 công ty do VNPT đang sở hữu một phần vốn sẽ phải thoái vốn toàn bộ.
Cụ thể, các doanh nghiệp mà VNPT phải thoái vốn gồm: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; 53 công ty cổ phần; 4 công ty trách nhiệm hữu hạn; 4 quỹ và 1 ngân hàng thương mại cổ phần (Ngân hàng Maritime Bank). Tổng số vốn mà VNPT đã đầu tư vào 63 đơn vị này lên tới hơn 2.303 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết: “VNPT đang tích cực thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 888/QĐ-TTg. Thoái vốn dễ nhất là tại những doanh nghiệp đã tham gia thị trường chứng khoán. Tổng số tiền VNPT phải thoái vốn tại các doanh nghiệp này khoảng 2.000 tỷ đồng và đến thời điểm hiện tại, VNPT đã thoái được 500 tỷ đồng. Đối với Ngân hàng Maritime Bank, chúng tôi đang trình Chính phủ cho thoái vốn khoảng 700 tỷ đồng. Như vậy, trong tổng lượng vốn phải thoái khoảng 2.000 tỷ đồng, VNPT sẽ thoái khoảng 1.200 tỷ đồng ở khối cổ phần trong quý I/2015”.
Ông Trần Mạnh Hùng cũng cho biết, việc thoái vốn khó nhất tại những công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán và VNPT sẽ nhanh chóng định giá để thoái vốn. “Đây chủ yếu là các công ty xây lắp, thiết kế. VNPT sẽ cố gắng hoàn thành việc thoái vốn trong năm 2015, dù có một số khó khăn về thủ tục, định giá và tìm người mua”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện VNPT, theo lộ trình thoái vốn, đến cuối năm 2015, VNPT sẽ thoái hết vốn ở tất cả các đơn vị trong danh sách này./.
Đề án tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015, sẽ phải thoái vốn toàn bộ 63 công ty do VNPT đang sở hữu một phần vốn. Ảnh minh họa.
|