Những thông tin trên được chia sẻ tại cuộc thảo luận chuyên sâu của các chuyên gia đầu ngành về sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh ngày 26/9.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, gần 40 năm trước, Việt Nam đã chứng kiến dịch sốt xuất huyết khủng khiếp tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Thời điểm đó, việc phòng bệnh chủ yếu dựa vào diệt muỗi và lăng quăng, không có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy đã có rất nhiều ca tử vong. Sốt xuất huyết không chỉ gây gánh nặng và áp lực cho bệnh nhân, gia đình mà còn cho hệ thống và nhân lực ngành y tế.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, từ 1959 đến nay sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi bệnh lưu hành ngày càng phức tạp, lan rộng và diễn ra quanh năm không còn theo mùa. Bệnh khó kiểm soát nguồn lây bởi người mắc sốt xuất huyết có thể không biểu hiện hoặc có triệu chứng không rõ ràng.
Sốt xuất huyết gây ra các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Các nhóm có nguy cơ trở nặng cao hơn khi mắc sốt xuất huyết gồm: trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì…
Khi mắc bệnh, người bệnh có thể phải nhập viện điều trị, dùng thuốc, truyền dịch, theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn. Thời gian kéo dài, ca nặng chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, nhiều trường hợp phải dùng tới phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO) nâng chi phí điều trị có thể đến 1 tỷ đồng.
“Thậm chí ngay cả khi người bệnh nhập viện cũng chỉ đợi ngày diễn biến nặng mới biết để chữa trị. Nếu không có vaccine, chúng ta chỉ ‘đi theo đuôi’ sốt xuất huyết” - bác sĩ Khanh nói.
Trong bối cảnh đó, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã nỗ lực đưa về Việt Nam vaccine sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Takeda, Nhật Bản sản xuất. Đây là vaccine được chứng minh có hiệu lực bảo vệ cao, hiệu lực chống nhiễm với cả 4 tuýp huyết thanh sốt xuất huyết (gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4) lên đến 80,2%. Vaccine cũng có hiệu lực cao trong việc chống nhập viện do sốt xuất huyết, với tỷ lệ giảm lên đến 90,4%.
Loại vaccine này đáp ứng đầy đủ các hướng dẫn về thử nghiệm lâm sàng của WHO và đã được tiền thẩm định, củng cố chất lượng và độ tin cậy vào tháng 5/2024 trước khi được đưa ra sử dụng trong chương trình tiêm chủng toàn cầu. Đây cũng là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam.
Kể từ khi triển khai tiêm vào ngày 20/9 đến nay, VNVC đã tiêm và nhận đặt giữ cho gần 15.000 liều vaccine sốt xuất huyết cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Nhờ thế mạnh là hệ thống trung tâm tiêm chủng dịch vụ hàng đầu Việt Nam với gần 200 trung tâm, hơn 10.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, hệ thống kho lạnh và hệ thống xe lạnh vận chuyển vaccine chuyên nghiệp đạt chuẩn GSP, VNVC còn có thể tổ chức các đội tiêm lưu động đến các trường học, doanh nghiệp, khu dân cư… với quy trình tiêm chủng an toàn cao nhất để kịp thời bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và người lớn trước chu kỳ đỉnh dịch sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 10 hằng năm.
“VNVC chuẩn bị bài bản và công phu để chuẩn bị cho việc triển khai vaccine sốt xuất huyết tại Việt Nam” - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
PGS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minhkỳ vọng khi số người sử dụng vaccine tăng lên cùng với các biện pháp khác, chắc chắn rằng trong một thời gian ngắn, gánh nặng do sốt xuất huyết gây ra đối với cộng đồng sẽ giảm đáng kể.