Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vỗ đầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gọi cho tôi là Thủy - một cô gái phục phịch béo nhưng nhiều mụn, hậu quả của nhiều đêm thức nặn chữ nghĩa. Cũng lạ, đàn bà con gái mê văn chương nhiều khi như thiêu thân dại dột coi nhan sắc mình như rác. Đúng ra họ đánh đổi.

Sắc đẹp của thân thể lấy chút ít nhan sắc khiêm tốn văn chương. Tôi đến quán cà phê như đã hẹn. Cô em ngồi đợi mười phút ba hai giây mệt mỏi ngả lưng vào chiếc ghế sơn son chắc chắn mới được tân trang. Đưa tay ra bắt cho không khí, tay cô em nhùn nhũn nhiều thịt nhưng lòng bàn tay ram ráp."Thế nào Thủy, tình hình có khá hơn không?"

"Như em đã nói qua với anh. Người ta xổ toẹt tất cả những cố gắng em có. Lạ thật, đọc những tác phẩm khác, cảm giác yếu hơn của mình mà vẫn chồm chỗm trên mặt báo". Hơi thở hắt đó đánh giá một giai đoạn xuống cấp của văn chương, hay đại loại là thứ văn chương đánh tráo. Người ta in báo cho nhau là vì mối quan hệ, hoặc vì một mưu cầu nào đó khó nói.

 
Minh họa: Hoài Văn
Minh họa: Hoài Văn
Tôi cố không để cho khuôn mặt ấy chảy dài hơn nên chêm một vài chuyện phiếm xen giữa. Lần gặp trước trông Thuỷ không đến nỗi thế này. Tôi từng khuyên cô hãy cố gắng học hành, quáng quàng cũng được miễn sao tìm được một thằng có thể lo son phấn cho đời cô. Tiền bạc gia đình cô không thiếu, cũng không ít những gã trai non tơ phục dịch cô. Nhưng chuyện văn chương lại ngốn mất nhiều thời gian hơn cô tưởng. Một thế giới hay một sân chơi mà không phải ai muốn là ngồi vào được. Phải khẳng định trăm phần trăm, cô phù phiếm không chịu an nhàn với nhan sắc và tiền. Đàn ông vì đói  khát khổ cực mà tìm đến thơ phú, đàn bà phởn phơ nhàn rỗi không việc mới tìm đến văn chương. Thế rồi cô khóc thật, không thành tiếng nhưng nước mắt chắt ra một cách xót thương. Sau lời an ủi của tôi, cô chìa ra một cái truyện ngắn mới, nói:"Anh đọc giúp em với, có gì góp ý cho em. Em thấy cái truyện này hay mà. Còn không biết người ta cho ý kiến thế nào. Em mong nó được in".

Tôi nhận lấy bản thảo, hứa sẽ đọc cẩn thận và nếu được sẽ cố gắng đưa nhờ ai đó in giúp. Với mối quan hệ của tôi hiện tại chẳng khó khăn lắm để giúp cho cái truyện bình thường của người quen xuất hiện trên tờ báo lá cải nhạt nhẽo èo uột nào đó. Thuỷ nói lời tạm biệt, "Em phải đi, rất mong anh giúp đỡ. Em cảm ơn anh trước". Tôi gật: "Ừ, em yên tâm đi nhé. Anh sẽ cố".Nhà hàng xêm xêm khách, sực nức mùi tỏi phi của quán đối diện. Tôi châm điếu Vina, rít được vài hơi thì gọi thanh toán và đi bộ về cơ quan. Tâm trạng của cô gái, tôi hiểu, vì bản thân đã từng ở cái giai đoạn đó và hiện tại vẫn chưa thoát khỏi sự dạy dỗ của các bậc đàn anh đàn chị. Nếu tôi là người yếu bóng vía hay dễ nản lòng thì đã bỏ tiệt văn chương, hoặc nảy nòi cả những giọt nước mắt mặn mòi còn lẫn mùi phân trâu, sình lầy của một gã nhà quê lên phố. Các anh chị, người nào cũng muốn dạy dỗ thằng em nên nhiều khi quên mất mình là ai, áp cả cái chủ quan của mình vào. Luôn luôn bắt thằng em phải đổi mới tư duy, viết cái gì có vấn đề, truyện không rõ ràng vân vân và vân vân. Mật độ từ ngữ thể hiện đàn anh đàn chị chiếm ưu thế và thẳng thắn tuyên bố ta cầm chịch trang văn nghệ của tờ báo. Người "canh cổng" phải thể hiện cái oai cho người muốn qua cổng. Tôi đã thấm thía nỗi vất vả đeo đuổi văn chương bấy lâu, nên đi làm cho một tờ báo nhỏ chẳng liên quan gì đến văn chương cả, viết báo vặt kiếm tiền. Ai cũng biết cái giá của văn chương hiện nay bèo bọt lắm. Mài rùi tạc nặn cả năm được cuốn sách đưa nhà xuất bản không in, gửi các đầu nậu cũng phải cầu cạnh mãi may ra. Nếu được in, bị trừ đầu trừ đuôi, cuối cùng cũng được món tiền đủ mua mấy bữa đậu phụ.

Đọc mấy tin cướp giết hiếp trên một tờ báo, sau tôi bỏ cái truyện Thuỷ vừa đưa ra đọc. Truyện có cấu tứ rõ ràng, viết về một cô con  gái sinh ra trong cái làng mổ bò muốn phá bĩnh cuộc sống giết mổ đang ô nhiễm nặng. Cô tha thiết yêu một anh chàng làm ở công ty sản xuất giấy vệ sinh thích đọc thơ và hết mực yêu trăng. Cô không xinh lắm chỉ được cái yêu hết mình và sẵn sàng hiến dâng. Anh chàng ấy ngấu nghiến và lúc nào cũng tỏ ra thèm khát. Cô gái bị mẹ cấm và hứa nếu lấy chồng theo sự sắp xếp của mẹ sẽ được hồi môn mười cây. Anh chàng đó là con của một lò mổ lớn nhất làng. Cô gái nhất định không chịu. Sự cựa quậy của cô càng đổ thêm dầu vào lửa, nhẹ không ưa sẽ bị xử nặng. Cô nghĩ đến chuyện tự tử nhưng không thành...

Truyện ngắn kết thúc có hậu là cô gái đã đến được với người mình yêu. Đọc xong tôi cười. Truyện thực sự nhạt và muốn in tạp chí lá cải cũng phải sửa lại nhiều. Như vậy không được rồi, để tránh cô nàng ảo tưởng cần phải nói thẳng. Văn chương không dung nạp nhạt nhẽo như con người hiện đại dễ dàng dung nạp tất cả kể cả cái không cần. Cần phải làm gì đó để khỏi mắc phải cái lỗi mà các anh chị đã làm với tôi. Chắc chắn tôi sẽ không sổ toẹt tất cả những cố gắng mà Thuỷ đã làm. Cần phải làm sao cho cô hiểu ra vấn đề, vẫn yêu văn chương và hào hứng sáng tác, đồng thời có cơ hội tiến bộ. Hôm sau tôi gọi điện bảo Thuỷ đến tận cơ quan mình. Thấy cô cứ ào đi như gió vèo mất vẻ con nhà đài các lắm tiền, thương cô quá. Cứ coi như tôi đang bị trói buộc bởi cô là cô gái một mực vì con đường mình đã từng đi giờ thấm thía lầm lạc mà giúp đỡ. Không hiểu ông chú tôi nghĩ thế nào lại giới thiệu đứa cháu nhằm "củng cố" thêm cho cô chút vốn liếng. Thuỷ ngồi bé nhỏ trên ghế, không còn cái vẻ ỏn ẻn mà tôi tưởng tượng ra trước khi gặp cô vài tháng trước. Tôi nói về cái truyện cô đưa, không vỗ đầu mà một mực trân trọng. Dù sao đó cũng là sự cày cục mài rũa. Tôi bảo cô sửa lại và "nẩy" thêm vài chi tiết đắt có sức nặng, cũng đừng môtíp một kiểu kết thúc có hậu. Cô nghe ra và ngỏ ý nhờ tôi giới thiệu cho một người bạn bằng giọng điệu hết sức cầu thị. Tôi nhận lời bất đắc dĩ và mấy ngày sau giới thiệu cô với Ngũ, một người bằng tuổi hiện giữ trang văn nghệ của một tờ báo thường thường, số cuối tuần in truyện ngắn hai ngàn chữ trở lại kèm minh họa bắt mắt. Trước đây hắn cũng từng "vỗ đầu" tôi ra vẻ một người từng trải. Ngũ thao thao bất tuyệt nói với bất kỳ ai mình từng bóp vú hơn hai trăm đàn bà và ngủ với khoảng hai tá chưa kể gái điếm chuyên nghiệp. Nếu nói dối tôi phạm tội, những câu tương tự được phun ra trong bữa nhậu tương tương với nhịp quai hàm hắn nhai thức ăn. Giới thiệu Thủy với gã cũng hơi run. Nhưng tôi chẳng còn biết giới thiệu một gã nào dễ tính và xác suất đăng cho cô lớn hơn. Cô gái cảm ơn hết lời và thề sẽ cố gắng. Tôi vui mừng chờ đợi ở một kết quả tốt đẹp mà mình đã giới thiệu, cũng như một bứt phá ngoạn mục khuynh đảo văn đàn. Chưa đầy hai tuần sau Thủy gọi điện khoe đã có truyện in trên báo cuối tuần chỗ Ngũ. Cô hết lời khen anh ấy làm chuyên nghiệp, chỉ cần "meo" qua mạng là được không cần in giấy mất công gõ lại. Chúc cho niềm vui cô dài mãi, chúc cho cô vù vù tiến trên đường mình đang đi.

*   *   *

Nói là dừng viết nhưng trong tôi mạch máu văn chương vẫn âm ỉ chảy. Nghĩ đến chuyện năm trước Q. từng xúc phạm và dằn hắt văn của tôi mà thấy một nỗi căm hận dâng lên, cùng với nó là một quyết tâm phải làm thế nào để hắn "tâm phục khẩu phục". Oái oăm thay văn chương là cái chẳng nói trước được gì. Cũng chính Q. là người đã khiến tôi phải viết cái chuyện này ra. Thực sự tôi chưa thấy người nào "vỗ đầu" một cách trắng trợn như vậy. Cũng phải nói trước rằng Q. chưa phải là một tác giả ghê gớm, truyện của hắn cũng chỉ ở mức nhàng nhàng. Tư tưởng "văn mình vợ người" là nhất vẫn từng ngày xẻo ý chí và bộ óc của người viết. 

Thế rồi, bất ngờ tôi được giải nhì trong một cuộc thi truyện ngắn. Đó là cái truyện đã ấp ủ nhiều ngày mà trước đó tôi tin chắc sẽ "được một cái gì". Q. hôm đó cũng có mặt, giả lả bảo sự xuất hiện của tôi bằng những bài báo chắc thanh thản hơn. "Chú cứ tiến bằng báo lại hay, truyện có phải cứ đẻ là được...". Giọng Q. vẫn đầy vẻ thách thức. Tôi sơ sơ nói về cái ý tưởng ban đầu mà truyện mình ẵm giải nhì với mức thưởng mười triệu. Q. nhếch mép: "Truyện của mày đọc cũng được". "Cũng được?" "Cũng được" với giọng này phần nhiều phải hiểu là chẳng được. Tôi biết là Q. chẳng ưa gì mình với cái giải nhì nên không phản ứng mạnh, cứ để đó và an ủi mình rằng: "Với sự tự phụ như thế, Q. sẽ dần giết mình".

Hỏi những người bạn tâm huyết thì họ nhận xét truyện mini đó của tôi thực sự được, giải nhì là xứng đáng nếu không muốn nói nó "ngang tầm" với giải Nhất. Thế nhưng tôi vẫn được các chú trong ban chung khảo "vỗ đầu" nói: "Đúng ra chỉ khuyến khích, chúng tôi động viên cậu". Tôi ngã ngửa người, choáng váng vì sự động viên ấy.

Rầu rĩ trở về nhà cùng với nỗi bực tức. Tôi biết mình ném trả lại giải khiến nhiều người trố mắt và là hành động hơi mạnh tay, nhưng bắt buộc phải làm thế, tôi là một cá tính và bắt đầu hiểu thế nào là lòng tự trọng, không phải chỉ riêng tôi mà còn là vẻ đẹp huyền diệu của chữ nghĩa. Chưa nguôi bức xúc thì Thuỷ gọi điện khóc lóc nói bị Ngũ lừa. Tôi hiểu ra là mình vừa ném miếng thịt thơm ngon gần miệng con hổ. Cô cái nằng nặc đòi gặp tôi để kể lể sự tình, chẳng muốn nhấc xác đi đến bất cứ đâu, tôi nói địa điểm để Thuỷ tự đến. 

Trong nháy mắt đã thấy Thủy đỗ xịch xe. Cô gỡ cái mũ bảo hiểm ném vào góc phòng có đống vỏ nhãn và ngồi vào ghế. Mắt cô đỏ hoe và chắc chắn vừa trải qua biến động khủng khiếp.

"Anh Ngũ... anh Ngũ... đến bây giờ em mới biết, những cô gái từng được anh ta đăng bài cho đều... em được đăng 4 truyện, hôm nay... hôm nay anh ấy gọi em đến phòng riêng... em... em khổ quá anh ơi...".

Thủy nức nở khóc, nước mắt cô tưới lên cả những con chữ đang cựa quậy trên mấy tờ báo còn lung tung gần chỗ ngồi. Tiếng khóc còn chua xót  hơn những giọt nước mắt mà tôi được chứng kiến khi cô mới bước vào con đường này. Thuỷ kể tiếp cái chuyện xấu xa Ngũ đã làm. Con chữ được mặc cả và đánh đổi bằng nhan sắc. Tôi còn biết tin vào ai. Những cô gái như Thủy còn biết tin vào ai? Giá mà tôi cứ "vỗ đầu" Thủy, để dập tắt ước mơ văn chương của cô, để cô thành người khác chứ không phải là một cô gái cố gắng nặn chữ nghĩa, thì đã không xảy ra cơ sự này.