Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vô tâm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con càng lớn càng cô độc, nhiều khi con muốn thu mình lại nằm co ro trong chiếc rương gỗ cũ mèm. Váy áo, đồ ăn con chẳng còn coi là bảo vật nên bỏ hết ra ngoài

20 tuổi mẹ về nhà chồng, của hồi môn chỉ vỏn vẹn cái rương gỗ, đựng cuốn album ảnh mẹ thời con gái, chục bộ áo quần và vài món nữ trang ông bà ngoại chắt chiu mua tặng.

Mẹ cưới bố được một năm, cảnh nhà sa sút, đôi nhẫn cưới, sợi dây chuyền, cái lắc tay, lắc chân đã rủ nhau đi mãi để bù vào khoản nợ của bố. Bố vào miền Nam tìm cơ hội làm ăn, mẹ ở lại quê chăm sóc ông bà nội. Lúc đó con còn nằm trong bụng mẹ. Cái rương gỗ trống không. Năm tháng dài rộng. Cái rương gỗ đầy ắp dần những cánh thư từ phương Nam.
Vô tâm - Ảnh 1
Con đi học cấp một thì bố về hẳn với con. Bố tặng mẹ lọ nước hoa thơm phức, áo dài lụa Hà Đông và cả đôi nhẫn cưới. Mẹ cất kỹ ở trong rương, thỉnh thoảng mới đem ra dùng. Những lúc mẹ mở rương lấy tấm áo lụa mặc dịp trọng đại hoặc lau chùi lại đôi nhẫn kỷ niệm, con lẽo đẽo theo mẹ xin đọc ké thư ngày xưa bố gửi. Bảo là đọc nhưng con ngắm là chủ yếu, những  bức ảnh đen trắng, mẹ đứng cười bẽn lẽn, những chiếc lá, cành hoa bố ép vội trên trang giấy màu ngà. Con ngày đó coi cái rương gỗ như kho báu đựng đầy thứ đồ cổ thơm phức mùi vải ướp nước hoa, mùi giấy âm ẩm, mùi mực khô nồng nàn.

Lớn lên con mới hiểu chiếc rương của mẹ còn quý hơn cả kho báu. Đó là những buổi tối thảnh thơi, cả nhà đem thư của bố ra đọc lại, mẹ có lúc đỏ mặt “ông này ngày xưa ăn gì mà sến thế!”, có lúc chực òa khóc khi đọc đến đoạn bố kể bị lừa tiền, bị người ta ức hiếp. Đó là khi mẹ lặng người bên rương gỗ, tay cầm đôi nhẫn cưới toan tách đôi ném lại cho bố một chiếc rồi đường ai nấy đi. Nhưng xấp thư cũ, tấm ảnh cưới bạc màu chụp bố mẹ cầm tay cười rạng rỡ đã níu tim mẹ ở lại.

Con lên đại học đi học xa nhà, bố muốn mua cho con những đồ dùng tiện nghi nhất, mẹ vẫn khăng khăng bảo con mang theo cái rương. Những kỷ vật mẹ đem cất chỗ khác, mẹ tặng con rương gỗ để đựng đống váy áo con thích nhất, hộp sô-cô-la con mê tít, cuốn lưu bút cấp 3 ướt nhòe vết mực và nước mắt, cuốn album con nhét đầy ảnh gia đình, bạn bè. Ngày xách hành lý lên đường đi ở trọ, con nhăn nhó vì cái rương nặng trịch, nước sơn đã bong tróc, mẹ chỉ mỉm cười bảo con chịu khó.

Con càng lớn càng cô độc, nhiều khi con muốn thu mình lại nằm co ro trong chiếc rương gỗ cũ mèm. Váy áo, đồ ăn con chẳng còn coi là bảo vật nên bỏ hết ra ngoài. Con mua sách về chất đầy rương, lúc thấy rảnh, thấy chán hoặc thấy yêu đời tột độ con đều đem sách ra đọc. Cứ như thế con bước qua tuổi trẻ cùng những trang sách. Con hay vu vơ nhớ nhà, thường ngồi vừa nghêu ngao hát vừa nắn nót viết những dòng thư cho bố mẹ. Nhưng chưa bao giờ con gửi. Con đem giấu trong rương. Cứ như thế của hồi môn của mẹ trở thành nơi trú ẩn của tim con, nơi con có thể đắm chìm trong những trang sách, phong thư, bỏ quên lo lắng, tị hiềm, bỏ quên mọi áp lực từ đời sống chật chội.

Sẽ có một ngày con theo một người lạ về ở suốt đời với người ta. Của hồi môn bố mẹ tặng cũng sẽ xếp trong chiếc rương nhiều tuổi hơn cả con. Những cuốn sách, cuốn nhật ký, cuốn album sẽ nằm lại trên giá sách nhà mình sớm khuya kể về thanh xuân của con. Những cánh thư có lẽ con vẫn giữ cho riêng mình bởi con gái hay xấu hổ, chưa bao giờ nói trọn vẹn tiếng thương với bố mẹ. Con muôn đời vẫn vô tâm.