Với nhà văn Sơn Tùng tại Chiếu Văn

Ghi chép của Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về đề tài Hồ Chí Minh, nhà văn Sơn Tùng là cây bút hàng đầu với 14 cuốn sách về Bác, trong đó Búp Sen Xanh thành công vang dội, tạo nên hiện tượng của đời sống văn chương nước nhà nửa sau thế kỷ XX.

 Nhà văn Sơn Tùng.
Gần 60 năm sống làm việc trên đất Thăng Long "đồ Nghệ" Sơn Tùng vẫn đặc quánh chất Nghệ, ngay lần đầu gặp tôi tại Chiếu Văn ông chân tình:
- Chúng mình cứ xưng hô “anh” “em” để đàm đạo cho nó tự nhiên. Đều sinh ra nơi bãi ngang xứ Nghệ, anh ở đoạn đầu em ở đoạn giữa, đều theo nghề viết lách, hôm nay có dịp hàn huyên trên đất Thăng Long như này là vui lắm.
Anh Sơn Tùng sinh cùng tháng cùng năm với bố tôi, theo lịch âm anh hơn bố tôi 12 ngày tuổi. Quê anh làng Hoa Lũy (về sau đổi là Kim Lũy), Diễn Kim là xã bãi ngang xứ Nghệ. Trước khi trở thành nhà văn anh chưa một ngày mặc áo lính nhưng công việc lại gần gũi với bộ đội. Cạn nghĩ, anh là người đầu tiên viết tình yêu của Nguyễn Tất Thành - Lê Thị Huệ (Út Huệ). Búp Sen Xanh thì tôi đã đọc, giờ được đàm đạo với tác giả tôi phải khéo gợi để được đọc những điều ngoài đời liên quan Búp Sen Xanh nhưng chưa tiện đưa vào sách. Viết những điều mình nghĩ không viết theo đầu của người khác, những giá trị tinh túy không thể mua dù rất nhiều tiền, luôn là sức mạnh tinh thần giúp tác giả Búp Sen Xanh vượt lên bão tố biển đời. Ý chí, nghị lực của bản thân, truyền thống quê hương, tinh túy gia đình... kết thành bệ phóng đưa thương binh hạng đặc biệt trở thành nhà văn Sơn Tùng.
Ngày 15/4/1971, tại căn cứ Tà Nốt thuộc chiến khu Đ (Tây Ninh), nhà báo Sơn Tùng bị dính quả đạn cối M79 với 14 vết thương trên mình, bị thương sọ não, vỡ xương vai, nửa người bên phải bị liệt, thị lực 1/10, tay phải co quắp, tay trái còn hai ngón, 3 mảnh đạn trong đầu không thể mổ để gắp ra. Đang là phóng viên chiến trường bỗng thành thương binh hạng đặc biệt, những đồng đội từng vào sinh ra tử muốn giúp anh gánh bớt nỗi đau thể xác cũng không được. Nhiều năm bất động sống bằng thực vật, bao lần thương tật muốn "đo ván nốc ao" buộc anh lấy bệnh viện làm nơi thường trú.
Cuộc đời nghĩa tình đã đứng bên thương binh Sơn Tùng gan góc bản lĩnh như chất Nghệ truyền thống, làm nên thần dược giúp anh "trụ hạng" "thăng hạng" ngoạn mục trong làng văn nước nhà.
- Em nghe nói Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhã ý tặng anh căn nhà tại Hà Nội nhưng anh không nhận?
- Chuyện cũ rồi, em hỏi thì anh vắn tắt nghe vui. Ngày đó anh viết xong Búp Sen Xanh, trước khi tìm Nhà xuất bản để xin giấy phép, anh đưa bản thảo anh Vũ Kỳ đọc, đưa cả bản chép tay truyện “Chưa dứt hương thề” của ông Diệp Văn Kỳ (1895
- 1945) bạn của Nguyễn Sinh Cung thời học ở Huế và Nguyễn Tất Thành sau này, bản thảo do bà Lê Thị Huệ (Út Huệ) đưa cho anh trong Nam sau ngày thống nhất nước nhà. Anh nói với anh Vũ Kỳ rằng đưa anh xem trước để khi Búp Sen Xanh ra mắt, anh biết trong đó có một chương viết dựa trên nguồn tư liệu này, đây mới là Bác Hồ thời trai trẻ. Sau đó anh được Cụ Đồng mời đến nhà ăn cơm, Cụ Đồng nói:
- Tôi ở với Bác từ năm 1927, sau này được một đời gần gũi gắn bó với Bác. Có nhiều chuyện Bác nói với tôi với anh Văn thôi, tại sao đồng chí lại biết? Có nhiều cái tôi cũng không biết, có những cái chỉ tôi biết không ai biết mà đồng chí cũng biết? Bây giờ tôi biết giúp đồng chí cái gì nhỉ?
Bữa đó, cụ Đồng có nhã ý tặng một căn nhà, anh nói:
- Yêu quý Bác không chỉ là yêu quý một lãnh tụ thiên tài, mà còn yêu quý sự hy sinh đến như thế của gia đình Bác. Em xin phép không nhận nhà, muốn xin Thủ tướng cái lời tựa Búp Sen Xanh để in vào lần tái bản tới.
Cụ Đồng bảo: - Lời tựa thì có ngay! Viết xong Cụ Đồng đứng dậy ôm anh và khóc:
- Đồng chí ơi, có những việc mắt thấy chưa hẳn đó là sự thật! Không ai hiểu tuổi thơ của Bác bằng anh, chị của Bác. Đồng chí có hạnh phúc được gặp anh chị của Bác lúc sinh thời, ghi giữ được thế này là vô cùng quý, nếu không thì chẳng ai biết.
Anh Sơn Tùng ngừng kể lấy ra tấm ảnh do người bạn đi cùng bấm máy khoảnh khắc Cụ Đồng ôm nhà văn và khóc.
Anh xin phép không nhận nhà là vì sợ mang tiếng nhờ viết Búp Sen Xanh mới được Thủ tướng tặng nhà, người ta sẽ suy diễn Sơn Tùng viết Búp Sen Xanh để nịnh lấy nhà. Sau này viết cuốn Hồ Chí Minh - quá khứ - hiện tại - tương lai, Cụ Đồng dành 1 chương cuối nói về việc riêng của Bác, có đoạn: “Chúng tôi lúc này cảm thấy như có lỗi. Chính tôi năm 1927 ra học trường Chính trị đặc biệt ở 13 phố Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc, khi nghỉ có đến phòng riêng của đồng chí Lý” (bí danh của Bác).
- Anh Sơn Tùng ơi, viết về Bác cái khó nhất là gì?
- Cái khó nhất của nghề viết, đặc biệt viết về Bác, đó là trung thực. Trung thực nói ở đây được hiểu là tính chân thực. Sự thực gắn với sự việc, tính chân thực còn có cả nghệ thuật của nó. Nghệ thuật nói ở đây là nghề nghiệp, là cách viết lách, còn chân thực là phải viết đúng như thế. Viết đúng không có nghĩa là có sao nói vậy. Có những việc hôm nay nói ra là trái với hiện thực, nhưng không vì cái sự trái hôm nay mà từ bỏ hoặc viết chỉ để được đăng, để có tên tuổi. Một cái khó khi viết về Bác là nó như sự tự thân trong lòng, người viết phải rung động xúc cảm như trực tiếp được chứng kiến việc ấy, chuyện ấy. Bởi trước một vị lãnh tụ thiên tài, một nhân cách hoàn thiện như Bác, người viết dễ bị ngợp. Bác đến với nông dân như một người nông dân đến với nông dân. Bác đến với giới trí thức, đến với các bà mẹ thì Bác cũng hòa nhập như một trí thức, một bà mẹ, đến với em thơ cũng thế. Nghĩa là không mất người, không lẫn vào đâu được. Trong khi Bác lại ở vị trí tầm cao nhất của một dân tộc, của Đảng, của Nhà nước ta, nên khiến người viết dễ "ngợp". Mà đã bị "ngợp" thì khó thể hiện thật đầy đủ những tinh hoa toát ra từ con người Bác.
Cũng như mọi người, anh Sơn Tùng cũng muốn một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, có khác là anh phải giữ mình cho trọn để viết về Bác. Anh bảo viết về Bác mà đòi cái này kêu ca cái nọ thì không nên chút nào. Anh không nỡ vì luôn nghĩ đến biết bao đồng đội đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến giữ nước. Ngay trong nhà, nếu anh kê khai làm hồ sơ đề nghị thì mẹ anh cũng có thể được truy tặng Mẹ VNAH, nhưng anh không nỡ. Đến nay anh vẫn ở thế này cũng là cái khó phải vượt để viết về Bác. Khách nước ngoài là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu... đến với anh ai cũng ngạc nhiên, thấy vậy anh hỏi khách, các bạn đến với tôi hay chỉ đến tìm hiểu về cái nhà? Khách chủ đều cười.
Các bạn người nước ngoài đến với anh Sơn Tùng không những đến với nhà văn hàng đầu viết về Bác, mà còn đến với kho tàng phong phú về Bác được sưu tập lưu giữ trong óc trong tim, đến với một chuyên gia hiểu sâu biết rộng về Hồ Chí Minh. Trong những lần “đối ngoại nhân dân” như vậy, “đồ Nghệ” Sơn Tùng giúp bạn bè nước ngoài hiểu hơn, gần gũi hơn, gắn bó hơn với đất nước con người Việt Nam.
Cuộc đàm đạo 3 tiếng đồng hồ với ngồn ngộn thời gian sự kiện mà không cần sổ sách, anh Sơn Tùng “gói”, tôi lặng lặng mang về để “khi cần thì mở”: "Thế giới còn nhiều đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh thì sống mãi" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Bác thiên cổ rồi, giờ anh em mình cũng chỉ chọn cho mình một góc để viết về một con người đã thuộc về mãi mãi. Theo anh, các em nên sưu tầm tất cả những hồi kí của những người trong đời từng may mắn được gặp Bác, biến nguồn tư liệu chân thực thành cái của mình, từ đó viết nên các tác phẩm vừa bảo đảm tính chân thực của nghệ thuật văn chương để được bạn đọc chấp nhận.
Ưu thế của các bạn trẻ là xông xáo, phát hiện, là điều kiện tối cần khi viết về Bác. Phát hiện ở đây không phải là mình đi tìm những cái chưa có, mà là những cái đã có nhưng đang ẩn giữa cuộc đời, đặc biệt là trong tâm thức của đội ngũ cán bộ từng được một đôi lần gặp Bác, dù đội ngũ này thưa thớt theo thời gian song vẫn còn nhiều người đang sống. Đến nay chưa ai dựng được bức tranh thật đầy đủ Bác về thăm làng Sen xứ Nghệ, chỉ mới dừng ở những mẩu chuyện này chuyện kia thôi. Thế cũng quý rồi! Bởi những cái đó giúp các thế hệ cầm bút sau này có cơ sở để dựng nên tác phẩm lớn.
Thành công của Sơn Tùng xây đắp bằng ý chí nghị lực của bản thân, bằng sự hy sinh vô bờ suốt gần 50 năm qua của chị Hồng Mai vợ anh, đặc biệt là những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời người thương binh hạng đặc biệt. Một thương binh Sơn Tùng vượt lên thương tật hiểm nghèo. Một "đồ Nghệ" Sơn Tùng "biết nước sông Lam răng là trong là đục, cuộc đời răng là nhục là vinh". Một Chiếu Văn chủ soái Sơn Tùng lấy "nước non là nghĩa là tình". Tất thảy những giá trị tinh thần ấy, đặc sản xứ Nghệ ấy tạo nên một Sơn Tùng của Báo chí Cách mạng Việt Nam, của Văn học Việt Nam hiện đại.
Ngày 26/6/2010 anh Sơn Tùng bị tai biến não, cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, tháng sau phải chuyển sang Bệnh viện Đông Y T.Ư. Thầy và thuốc, Đông và Tây y kết hợp chỉ cứu được anh qua cơn hiểm nghèo, không thể cứu nổi nhà văn Sơn Tùng trở về với Chiếu Văn trong Ngõ Văn Chương. Ngày 14/7/2011, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số 1083/QĐ-CTN phong tặng nhà văn Sơn Tùng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần