70 năm giải phóng Thủ đô

"Vốn" cho khởi nghiệp - Tiếp thị bản thân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi được hỏi: “Bạn nào muốn sau này làm chủ?", một rừng cánh tay sinh viên giơ lên.

KTĐT - Khi được hỏi: “Bạn nào muốn sau này làm chủ?", một rừng cánh tay sinh viên giơ lên. Nhưng con đường từ một sinh viên không có vốn đi đến một doanh nhân thành đạt không hề trải hoa, mà đó là những chông gai thử thách từ ý tưởng, làm việc với cộng sự cho đến sự thất bại.

Học cách tiếp thị bản thân, học cách chuẩn bị "vốn liếng" khởi nghiệp... là những bí quyết mà nhiều doanh nhân chia sẻ trong buổi tọa đàm “Khởi nghiệp và lập nghiệp - con đường không trải hoa” với hơn 1.000 sinh viên tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sáng nay (23-10).
 
Chắt lọc kinh nghiệm từ lúc còn ở giảng đường

Bạn N.T.N.Thịnh (ĐH Bách khoa TP.HCM) băn khoăn khi đang học ngành kỹ thuật nhưng rất yêu thích kinh doanh và không biết phải khởi nghiệp thế nào. Bạn T.T.Hằng (ĐH KHXH&NV TP.HCM) cũng chia sẻ: “Mình muốn trở thành doanh nhân thành đạt nhưng lại đang học ngành ngoại ngữ. Liệu mình có nên khởi nghiệp kinh doanh?".

Anh Lê Bá Thông - tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng thương mại TTT - gỡ rối cho các bạn bằng câu chuyện của mình: “Lúc tôi học phổ thông, ba mẹ muốn tôi làm bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi quyết định thi vào ĐH Bách khoa TP.HCM, nhưng sau này tôi lại thành công trong lĩnh vực trang trí nội thất".

Buổi tọa đàm giao lưu giữa doanh nhân và sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội việc làm ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2010”, do CLB Doanh nghiệp dẫn đầu phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, thu hút gần 10.000 sinh viên.

"Quan trọng là các bạn phải cố gắng học tốt tất cả các môn mà trường dạy, làm tốt tất cả các phần việc được giao dù lớn hay nhỏ. Nếu bạn có ý thức làm đến nơi đến chốn mọi việc thì bạn sẽ thành công”, anh chia sẻ.

Một người bạn đắc lực không thể thiếu trong hành trình chuẩn bị "vốn liếng" kinh doanh đó chính là kiến thức từ sách. Anh Trần Kim Thành - tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô - cho biết, dù hàng ngày phải giải quyết sổ sách, lên kế hoạch kinh doanh nhưng anh không từ bỏ việc đọc sách. Mỗi năm, anh chi hàng chục ngàn USD để mua sách. Anh Kim Thành cho biết: “Sách là người bạn chỉ đường cho ta tốt nhất. Đối với tôi, sách giống như trang tự điển của cuộc đời. Khi gặp những vấn đề trong kinh doanh, tôi lại nhớ đến cách giải quyết trong cuốn sách tôi đã đọc, sau đó xem lại tình hình thực tế và áp dụng. Các bạn nên dành thời gian đọc sách, không hề phí một chút nào”.

Để phát huy khả năng lãnh đạo, anh Lê Bá Thông gợi mở: “Các bạn hãy xung phong làm lớp trưởng, tranh cử các chức vụ trong Đoàn - Hội hay đơn giản là trưởng nhóm thuyết trình, trưởng nhóm tổ chức một cuộc dã ngoại. Lúc đó, bạn sẽ học được cách điều hành nhóm, giải quyết vấn đề… Bạn sẽ tốn sức lực, thời gian nhưng lại rất hữu ích cho chuyện khởi nghiệp sau này”.

Sao không làm danh thiếp để tiếp thị bản thân?

Khi được hỏi: “Bạn nào muốn sau này làm chủ?", một rừng cánh tay sinh viên giơ lên. Nhưng con đường từ một sinh viên không có vốn đi đến một doanh nhân thành đạt không hề trải hoa, mà đó là những chông gai thử thách từ ý tưởng, làm việc với cộng sự cho đến sự thất bại.

Anh Trần Kim Thành - chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô - gợi ý: "Các bạn hãy đưa ra những ý tưởng kinh doanh và xin hỗ trợ vốn từ các ngân hàng. Điều quan trọng là ý tưởng kinh doanh của bạn phải cụ thể, chi tiết. Bạn phải giải tốt bài toán xã hội và bài toán kinh doanh cho ý tưởng của bạn thì vốn mới đến tay bạn được".

“Người bản lĩnh là người biết chấp nhận cái thua như thế nào. Quan trọng là các bạn phải biết mình vấp ở chỗ nào để tự đứng lên và bước vững hơn" - anh Lê Bá Thông, tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng thương mại TTT.  

Có ý tưởng, có vốn rồi nhưng bạn không thể “một kiếm, một mình, một ngựa” đi đến thành công mà phải có sự giúp sức của nhiều người. Bạn V.H.Thành (SV ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) lo lắng: “Nhiều người thường cảnh giác và ít chấp nhận cái mới, vậy làm sao thuyết phục mọi người đồng tâm hiệp lực với mình?".

Anh Lê Trí Thông - phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á -  chia sẻ: “Lúc nào bạn cũng phải ở trong tư thế thuyết phục cộng sự, một công ty không có người phản biện thì sẽ rơi vào nguy cơ phá sản".

Anh Trần Kim Thành - tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô - gợi mở thêm: “Bạn phải tìm hiểu cộng sự của mình ở nhiều góc cạnh. Đến khi triển khai việc, bạn sẽ biết góc nào cần sự hỗ trợ của cộng sự nào, như vậy mới đạt hiệu quả công việc".

Khi buổi tọa đàm kết thúc, nhiều sinh viên đến xin danh thiếp các doanh nhân và không khỏi bất ngờ, lúng túng khi được hỏi: "Bạn có danh thiếp không?". Vậy là thêm một kinh nghiệp khác được chia sẻ: sao sinh viên không in danh thiếp với những thông tin cơ bản như học ngành nào, trường nào, số điện thoại, email... Đó sẽ là cách bạn trẻ tạo ấn tượng với người khác, góp phần tiếp thị bản thân hiệu quả, giảm thiểu khó khăn trong những bước đầu khởi nghiệp.