Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn đăng ký doanh nghiệp “đột biến” vì 2 công ty siêu khủng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2021 là 2.278.416 tỷ đồng (tăng 65,7% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.303.327 tỷ đồng (tăng 133,6% so với cùng kỳ năm 2020).

Đây là con số tại dự thảo Báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ KH&ĐT, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm tăng tới 102,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Vốn đăng ký mới tăng 133,6%

Báo cáo cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới là 55.769, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong 5 tháng đầu năm giai đoạn 2016 - 2021. Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thể hiện niềm tin và sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới.

 (Ảnh minh họa)

Theo đó, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2021 là 2.278.416 tỷ đồng (tăng 65,7% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.303.327 tỷ đồng (tăng 133,6% so với cùng kỳ năm 2020). Có 19.066 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 5 tháng đầu năm 2021 (tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 975.089 tỷ đồng (tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2020).

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2021 cũng đạt 23,4 tỷ đồng, tăng 102,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ KH&ĐT lý giải: Vốn đăng ký tăng đột biến là do có 2 doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đăng ký thành lập mới vào ngày 20/5/2021 với số vốn đăng ký lần lượt là 25.000 tỷ đồng và 500.000 tỷ đồng.

“Trường hợp không tính 2 doanh nghiệp này thì vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2021 của cả nước là 778.327 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ 2020, vốn đăng ký bình quân đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ 2021”- Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Trước đó, trong tháng 5, tại TP Hồ Chí Minh, một cá nhân có tên Nguyễn Vũ Quốc Anh đã đăng ký thành lập cùng lúc 5 công ty. Tổng vốn điều lệ 5 công ty này là 525.000 tỷ đồng, trong đó cá nhân Quốc Anh chiếm tổng vốn là 523.102 tỷ (tương đương 22,7 tỷ USD).

Doanh nghiệp chết “lâm sàng”, đề xuất hàng loạt biện pháp giải cứu

Trong 5 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường tiếp tục tăng, lên tới 4.051 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có 59.800 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể.

Trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, dự báo diễn biến của dịch Covid-19, Bộ KH&ĐT cũng dự thảo hàng loạt đề xuất miễn, giảm thuế phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi vay…, giúp các doanh nghiệp vượt khó.

Cụ thể, đề xuất NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.

Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp. Cơ chế này không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà bổ sung thêm doanh nghiệp trong các ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải.

Đề xuất giải pháp Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có doanh thu trong năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép giảm 50% thuế VAT năm 2021 đối với các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như hàng không, khách sạn, nhà hàng để giảm giá dịch vụ, kích cầu nội địa. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các địa phương giảm thuế VAT về 0% trong 6 tháng cho các doanh nghiệp vận tải, giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ôtô mới đăng ký kinh doanh vận tải.

Với các khoản phí, lệ phí phải nộp, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 12/2021; giãn đóng phí công đoàn và giảm 50% phí công đoàn trong hai năm 2020-2021; cho doanh nghiệp vận tải được miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12-2021…

Theo các chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ thứ nhất triển khai từ năm 2020 vẫn tiếp tục được thực hiện. Còn gói hỗ trợ thứ hai mới mới được đưa ra lấy ý kiến. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tạm ngừng kinh doanh nhiều chưa từng có, thì nhất thiết phải có gói hỗ trợ thứ hai. “Bên cạnh những giải pháp tức thời, cần tập trung rà soát cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn tổng thể để làm sao đơn giản, nhanh chóng, dễ dàng, giảm chi phí, thời gian, mới mong doanh nghiệp thoát khỏi “đại nạn” đang phải đối mặt” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề xuất. Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Phan Đức Hiếu thì cho rằng, gói hỗ trợ thứ hai phải được thiết kế công bằng hơn, tiêu chí dễ dàng và thiết thực hơn.