Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I/2020: Thấy gì từ những con số?

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP (tính theo giá thực tế) trong quý I năm nay đạt 31%. Chính phủ đang thúc vốn đầu tư khu vực nhà nước nói riêng, vốn đầu tư toàn xã hội nói chung vào nền kinh tế. Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP.

Tăng trưởng tích cực
Với con số 31% tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I, là tỷ lệ thuộc loại cao trên thế giới nhưng thấp hơn so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho cả năm (33-34%). Với tỷ lệ này, cả năm 2020 GDP sẽ khó đạt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (6,8%) nhưng sẽ đạt được tốc độ tăng như dự báo theo 2 kịch bản của Bộ KH&ĐT (tăng 6,09 - 6,27%).
Dù sao đạt được tỷ lệ và tốc độ tăng như trên trong điều kiện dịch Covid-19 xảy ra là một kết quả tích cực. Kết quả tích cực này do 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là “đà” lạc quan từ kết quả cao, toàn diện khá bất ngờ của năm 2019. Yếu tố thứ hai là lòng tin vào kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Mặc dù gần với nơi khởi phát dịch, nhiều chuyên gia quốc tế dự báo Việt Nam sẽ bị tác động nhiều nhất nhưng đến nay chúng ta đã đạt được kết quả được quốc tế đánh giá cao.
 Dây chuyền tự động sản xuất xe Mazda. Ảnh: Hiếu Quang
So với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư phát triển quý I năm nay tăng 2,2%. Tốc độ tăng này thấp; nếu loại trừ yếu tố giá thì tốc độ tăng còn thấp hơn, thậm chí còn mang dấu âm thấp hơn cả tốc độ tăng GDP, nên tác động không tốt đối với tăng trưởng GDP. Tăng trưởng đạt được ở 2 nguồn (nhà nước, ngoài nhà nước) với tốc độ khác nhau.
Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong 3 nguồn. Đây là sự cố gắng của khu vực nhà nước trong điều kiện dịch Covid-19. Nguồn vốn này chiếm 30,5% tổng số, cao hơn tỷ trọng 29,4% của cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn tỷ trọng của các năm từ 2018 trở về trước.
Nguồn vốn từ khu vực nhà nước có 2 khoản lớn. Lớn nhất là từ ngân sách nhà nước (chiếm 53,1%), nhưng mới đạt 13,2% kế hoạch cả năm và tăng khá cao (16,4%). So với kế hoạch năm, có một số bộ, ngành, địa phương đạt cao hơn tỷ lệ chung (như Bộ Y tế đạt 13,9%, Phú Thọ 24,4%, An Giang 24,2%, Bắc Ninh 21,5%, Quảng Nam 20,8%, Hà Nội 15,3%, Hải Phòng 15,1%... Nhưng có một số đơn vị đạt tỷ lệ thấp hơn, trong đó rất thấp (như Bộ TN&MT đạt 9,5%, Bộ GTVT 10,2%, Bộ GD&ĐT 10,4%, Bộ Xây dựng 10,6%, TP Hồ Chí Minh 4,7%...) 
Giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công
Diễn biến này đòi hỏi phải giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công; cần tranh thủ gói tín dụng 250 nghìn tỷ đồng và gói tài khóa 30 nghìn tỷ đồng cấp bách hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời cần nâng cao hiệu quả đầu tư, từ khâu quy hoạch, phân bổ vốn, đẩy nhanh thi công, giảm thiểu lãng phí, thất thoát, đưa nhanh công trình vào sản xuất ra sản phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước trong quý I năm nay chiếm tỷ trọng cao nhất (45,2%) và tăng cao hơn tốc độ chung (4,2%). Đây là sự chuyển dịch cơ cấu tích cực vì có nguồn rộng lớn, có hiệu quả đầu tư cao,…, nhưng cần quan tâm đến quy mô, trang bị kỹ thuật - công nghệ,… để có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,6 tỷ USD, giảm 12,1%, thực hiện đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6%. Trong quý I đã có 45 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đứng đầu là Singapore, chiếm 76% vốn cấp mới, tiếp đến là Trung Quốc chiếm 8,2%, Hàn Quốc chiếm 5,1%, Hồng Kông chiếm 4,4%, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ tư chiếm 2,2%.
Vấn đề đặt ra đối với khu vực này là cần có sự chọn lọc các dự án có thiết bị, kỹ thuật - công nghệ nguồn, công nghệ sạch, hạn chế việc chuyển giá, hoặc coi nhẹ bảo vệ môi trường; tăng tính lan tỏa về kỹ thuật - công nghệ, kinh nghiệm quản lý,…
Trong điều kiện chống dịch như chống giặc, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ con người, ngoài việc tích cực giữa cho sản xuất kinh doanh, cần tranh thủ sự hỗ trợ về tín dụng và tài khóa của Chính phủ để đầu tư sản xuất kinh doanh khi dịch đã vượt qua “đỉnh” sang “dốc” bên kia để hồi phục kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần