Ngày 12/3, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức hội thảo: “Ngành hàng tiêu dùng và phân phối “Xu hướng M&A và chiến lược kêu gọi đầu tư bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam””.
Cần chiến lược kêu gọi đầu tư bền vững
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Tuấn Anh – Giảng viên Đại học RMIT Việt Nam cho biết, theo số liệu từ KPMG, nếu như 3 năm trước đây các nhà đầu tư nội vượt trội trong thị trường M&A thì trong năm 2023 top 5 thương vụ đều thuộc về nhà đầu tư ngoại.
Tổng giá trị giao dịch M&A trong 10 tháng đầu năm 2023 là 4,4 tỷ USD với hơn 260 thương vụ, trong đó 80% giá trị giao dịch từ các ngành y tế, tài chính, và bất động sản. Giá trị trung bình các thương vụ là 54,5 triệu USD.
Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, trong những năm gần đây các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia rất mạnh vào các thương vụ M&A.
Sở dĩ có xu hướng này, theo TS Nguyễn Tuấn Anh là do đồng yên đang mất giá các doanh nghiệp Nhật đang tìm cách “mang tiền đi đầu tư nước ngoài” (như vào Việt Nam), vẫn là lựa chọn tốt hơn, và xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới. Cụ thể, hiện nay các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến logistics, đặc biệt là chuỗi cung ứng lạnh (theo ông Sam Yoshida - Giám đốc toàn cầu RECOF).
Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, môi trường chính sách ở Việt Nam phải thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thoái vốn. Bởi khi rót tiền vào, nhà đầu tư cân nhắc phải lấy ra được. Một yếu tố khác là phải làm sao để tạo điều kiện rút ngắn thời gian hoàn tất thương vụ.
Chính phủ cần hành động để bảo vệ doanh nghiệp
Chia sẻ tại Hội thảo, luật sư Đào Tiến Phong (Công ty Tư vấn InvestPush) cho rằng, khi có kế hoạch M&A nên có cơ cấu cổ phần hóa trước để thuận tiện về mặt pháp lý và tránh rủi ro về thuế khi M&A. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải đặc biệt chú ý đến chiến lược “chống pha loãng” để tránh bị thâu tóm toàn công ty, nếu chỉ định bán một phần.
Còn theo bà Minh Huỳnh – Giám Đốc Quỹ Tael Partners, hoạch định tài chính cho doanh nghiệp cũng như hoạch định tài chính của đời mình, cần phải tính cả những thuận lợi và khó khăn.
Trong khi đó, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia cao cấp, cho rằng, tìm kiếm nguồn vốn ở bên ngoài là xu hướng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vì hiện nay nguồn vốn trong nước cũng có nhưng đắt đỏ, chi phí vốn cao so với các nước xung quanh chưa kể đến nước phát triển.
“Tìm kiếm các nhà đầu tư mới, tìm kiếm các nhà đầu tư từ bên ngoài là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cần, nhưng cái cần hơn là chính sách vĩ mô phải tốt để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài và giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trong quá trình M&A.” - bà Phạm Chi Lan nói.
M&A là tất yếu của một cuộc chơi kinh doanh, bởi doanh nghiệp Việt cần những người đồng hành đủ lực và đủ tầm để tiến xa hơn. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải cảnh báo và hành động để bảo vệ các doanh nghiệp, tài sản chủ chốt của quốc gia không rơi vào tay các công ty nước ngoài.