Kinhtedothi - Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất vào sáng nay 11/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mục tiêu và phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào DN; đầu tư vốn ra ngoài DN cần được xem xét kỹ, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả...
Theo các ĐB, phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào DN đã xảy ra tràn lan, gây lãng phí tài sản của nhà nước. Dự thảo luật cần khắc phục điều này một cách triệt để. Thế nhưng, tại dự án luật, quy định phạm vi quá rộng. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị đầu tư ngoài ngành cần đầu tư có trọng điểm, tránh tràn lan và cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ hơn những ngành DNNN chỉ tham gia góp vốn và chi phối.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
|
ĐB Ngô Văn Minh, đoàn Quảng Nam nhận định vốn của DNNN là tiền của nhân dân, bởi vậy cần đưa ra giải pháp để DN kinh doanh hiệu quả. Theo ĐB, gần đây có những vụ việc gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu của các DN ấy đều “vô can”. Trước khi xảy ra những đổ vỡ đó đã có hàng chục các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng làm việc tại DN.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị, cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng lãng phí thất thoát trong sử dụng vốn và tài sản tại các DNNN. “Nếu gây thiệt hại phải bồi thường hoặc hoàn trả theo quy định của pháp luật” - ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) bổ sung.
Các ĐB kiến nghị, phải có tổ chức độc lập để đại diện cho Quốc hội, Chính phủ tại các DNNN. DN đầu tư vào đâu, lĩnh vực nào cần báo cáo Quốc hội để Quốc hội quản lý tốt đồng vốn của Nhà nước một cách hiệu quả.
Tại phiên thảo luận nhiều ý kiến đề xuất nên hạn chế tối đa việc DNNN thành lập đơn vị mới. Ngoài ra cần xem xét chế độ lương thưởng trong DN.