Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn vay và nỗi trăn trở của người dân Phụng Châu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với những nguồn lực khác, vốn ngân hàng cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang là động lực để thúc đẩy giúp các hộ nông dân chủ động mở rộng sản xuất mùa vụ, góp phần không nhỏ tăng thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống ở các vùng nông thôn.

 Tuy nhiên, những hộ nông dân ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ vẫn đang tìm mọi cách để xoay xở tìm các kênh vốn để phát triển sản xuất.

Từ đồng vốn vay ngân hàng

Xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ đang từng ngày thay da đổi thịt với những con đường bê tông, nhà cao tầng mọc lên san sát. Đến thăm trang trại chăn nuôi gà công nghiệp của gia đình anh Lê Văn Cường và chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Phượng Nghĩa, anh chị hồ hởi cho biết, khi quyết định làm kinh tế trên vùng đất bãi, anh chị đã mạnh dạn vay tiền ngân hàng để nuôi gà đẻ trứng và đã phát triển được hơn 10 năm nay. Tuy đầu năm 2014 gặp rất nhiều khó khăn nhưng từ tháng 6 âm lịch đến nay, đặc biệt là những tháng Tết, giá trứng ổn định từ 1.800 – 2.200 đồng/quả, mỗi ngày xuất 1 vạn quả trứng cũng được 22 triệu đồng. Với 2 vạn con gà đẻ, trứng gà đẻ ra đến đâu bán hết đến đó cộng với 1 vạn gà hậu bị nên tiền bán gà thu được đến đâu, trả nợ ngân hàng sòng phẳng đến đó.
Người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ, Hà Nội.       Ảnh:  Trần Việt
Người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện làm kinh tế trang trại của anh chị cũng cho thấy, trong khi nhu cầu vay rất lớn nhưng bên cạnh nguồn vốn vay từ các ngân hàng: Nông nghiệp & PTNT, Sacombank, anh chị vẫn đang phải vay ngoài với lãi suất cao vì những lý do về điều kiện thế chấp, xây dựng dự án… Bên cạnh đó là nỗi lo một lúc bỏ ra mấy tỷ đồng nhưng nếu dịch bệnh bùng phát thì cũng mất trắng nên gia đình anh chị cũng không dám vay thêm. Từ đầu năm 2015, Nhà nước đã có chủ trương hỗ trợ trang thiết bị như: giàn mát, quạt điện, trần xốp trị giá khoảng 75 triệu đồng/trang trại, nhưng hiện nay vẫn chỉ mới làm hồ sơ, thủ tục bước đầu.

Còn hộ gia đình chị Lê Thị Anh vay vốn để phát triển nuôi gà thịt. Gia đình chị vay Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT 1,5 tỷ đồng với lãi suất 10,5%/năm. Một năm xuất chuồng được 4 lứa gà, mỗi lứa 25 tấn với giá 32.000 đồng/kg cũng thu được 800 triệu đồng. Nhưng tiền đầu tư cũng lớn. Tính sơ bộ một lứa gà phải mất đến 50 tấn thức ăn với giá 13 triệu đồng/tấn, tổng giá trị là 650 triệu đồng; con giống 150 triệu đồng; tiền điện 20 triệu đồng; tiền nhân công 2 tháng của 4 người là 30 triệu đồng, thuốc thú y 70 triệu đồng; than củi 20 triệu đồng; lãi vay ngân hàng 20 triệu đồng, tổng cộng cũng gần 900 triệu đồng. Theo chị Anh: Lãi vay ngân hàng xuống dưới 7%/năm sẽ đỡ cho các hộ chăn nuôi rất nhiều. Hiện các hộ đang chịu lãi vay là 10%/năm. Đã trót đầu tư nên phải theo đuổi, nhưng nhiều hộ chăn nuôi ở đây hoạt động cầm chừng, tìm việc làm thêm để trang trải kinh tế cho gia đình.

Bí thư Đảng ủy xã Phụng Châu Nguyễn Văn Lâm cho biết: Từ năm 2006, địa phương đã huy động đưa các trang trại chăn nuôi ra ngoài khu dân cư, để khỏi ô nhiễm môi trường. Đến nay, ngành chăn nuôi của xã đã phát triển với hơn 30 trang trại theo mô hình trang trại gia đình. Năm 2014, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 48%, trồng trọt 52%. Tuy nhiên việc vay vốn ngân hàng để mở rộng quy mô, phát triển trang trại vẫn còn nhiều khó khăn. Chính quyền xã cũng đã ghi nhận những ý kiến của nhiều hộ dân chăn nuôi: Lúc lãi tiền gửi lên thì lãi suất tiền vay cũng lên, nhưng hiện nay khi lãi suất tiền gửi xuống lãi suất tiền vay lại không xuống nên những hộ vay vốn phát triển sản xuất đang phải chịu nhiều thiệt thòi…

Chuyển đổi kinh tế  cần tạo sự liên kết

Phụng Châu là xã đồng bãi, đất rất rộng với 468,8ha lúa; chia làm 3 khu vực kinh tế, có các ngành nghề như tiểu thủ công nghiệp, mây tre đan, nhưng cơ bản vẫn là lao động nông nghiệp. Từ năm 2012 đến nay đã dồn điền đổi thửa được 4 thôn, còn một thôn nữa do thiếu nước chưa làm được. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cả xã mới đạt được 5 tiêu chí; 10 tiêu chí mới đạt được trên 50%, còn lại là chưa đạt. Mặc dù xã cố gắng phát triển chăn nuôi với 30 hộ phát triển theo mô hình kinh tế trang trại nhưng những mô hình này vẫn mang tính tự phát, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ rất bị động. Trong khi các đơn vị cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa có sự liên kết. Không có những cơ sở thu mua chế biến, nên sản xuất của họ vẫn còn phụ thuộc, có vốn đến đâu đầu tư đến đấy.

Chính vì thế, Phụng Châu rất cần những chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn để thu hút DN tham gia. Đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Ở Phụng Châu, với địa bàn của xã và các mô hình sản xuất sẵn có, nếu được tổ chức sắp xếp lại, xây dựng các cơ sở chế biến tiêu thụ nông sản tạo thành chuỗi liên kết sẽ giúp nơi đây trở thành một trong vùng kinh tế hàng hóa cung cấp thực phẩm lớn cho Hà Nội. Các hộ nông dân cũng sẽ được hưởng lợi với lãi suất vay ngân hàng 6,5%/năm theo chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/2014/NQ - CP của Chính phủ mà ngân hàng Nhà nước đang áp dụng.