Đây là chương trình cung cấp xe đạp miễn phí cho học sinh, sinh viên, nhất là những bạn có hoàn cảnh khó khăn, đang ở ký túc xá không có phương tiện đi lại.
Bên cạnh đó, chương trình còn cung cấp xe đạp miễn phí cho các giảng viên khi di chuyển từ cơ sở 3 đường Hoàng Hoa Thám đến cơ sở chính của trường ở 98 phố Dương Quảng Hàm và ngược lại.
|
Các nhà tài trợ tặng xe đạp và tiền mặt cho chương trình Vòng quay xanh của trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Sinh viên sẽ được mượn xe miễn phí để di chuyển khi đến lớp. |
Thông tin về chương trình, TS Đào Trường Thành – Phó Trưởng khoa Kinh tế và Đô thị cho biết: “Thực tế, chương trình Vòng quay xanh không có nhiều ý tưởng mới lạ, bởi một số nơi đã làm. Tuy nhiên, khác biệt ở đây là trường cung cấp xe đạp hoàn toàn miễn phí đến học sinh, sinh viên, trong khi ở các nơi khác lại tính phí cho thuê”.
Tính đến thời điểm ngày 5/1, trong trường có 22 đơn vị và 16 cá nhân và 6 tổ chức, DN tài trợ 30 chiếc xe đạp. Đây là minh chứng rõ nhất trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ cho học sinh, sinh viên của trường và khoa Kinh tế và Đô thị.
Được biết, khi nhà trường và khoa Kinh tế và Đô thị có ý tưởng xây dựng chương trình đã đón nhận được sự ủng hộ của nhiều sinh viên. Ngày hôm nay, những đối tượng hưởng thụ thực sự rất phấn khởi khi được đi trên những chiếc xe đạp sơn màu vàng có ghi dòng chữ “Vòng quay xanh –HNMU”.
Nguyễn Quỳnh Chi – sinh viên năm thứ nhất của lớp Logicstic trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: “Những chiếc xe đạp này rất tiện ích đối với em và các bạn để di chuyển từ cơ sở 3 đến cơ sở chính của trường và ngược lại. Chúng em sẽ không phải đi xe Uber, Grap đoạn đường hơn 1km có giá cao 20.000 – 25.000 đồng. Thông qua chương trình, chúng em tiết kiệm được chi phí, thời gian, tốt cho sức khoẻ và giữ gìn được môi trường xanh – sạch – đẹp”.
Không những thế, chương trình Vòng quay xanh còn bổ sung cho sinh viên những kỹ năng rất cần thiết, nhất là những em học ngành Logicstic. TS Đào Trường Thành lý giải: Trong logicstic, hậu cần là yếu tố cốt lõi. Đến thời điểm công bố chương trình, chúng tôi phải tính toán được cách quản lý, marketting. Đây là những kỹ năng rất cần thiết đối với sinh viên. Những chiếc xe đạp không chỉ là phương tiện đi lại mà còn quảng bá hình ảnh nhà trường và tới đây là huy động được các nguồn vốn.
Với việc những chiếc xe đạp mang lại lợi ích cho sinh viên và nhà trường, thời gian tới trường Đại học Thủ đô Hà Nội dự kiến sẽ tăng gấp hai lần số lượng xe đạp và thay đổi về chất. Đó là thực hiện quản lý xe đạp và thanh toán tự động, bằng công nghệ 4.0 hoàn toàn. Đây chính là mục tiêu chương trình đang hướng đến để tiếp cận kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghệ 4.0.