70 năm giải phóng Thủ đô

Vớt cá me mùa trăng

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi cơn gió nam thổi ngược cũng là thời điểm từng đàn cá me đua nhau vào các bãi ngang. Dưới bóng trăng loang loáng trên mặt biển, những chiếc thuyền tấp nập xuyên đêm vớt từng đàn cá me đang quây lại dưới ánh đèn.

Ngư dân bãi ngang xã Vĩnh Thái tất bật vụ đánh bắt cá me trong đêm.

Vào vụ cá me

Nhìn cơn gió nam đang thổi ngược cái nóng từ đất liền ra biển, ngư dân Trần Hữu Toản (thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nhìn mặt biển rồi lại tất bật cho đêm đánh bắt cá me (có nơi gọi là cá de).

Kiểm tra lại chiếc thuyền đang nằm dưới bãi cát trắng, anh Toản đưa lên thuyền máy phát điện, 3 bóng đèn loại 1.000w cùng chiếc vợt… để chuẩn bị cho đêm ra khơi. “Cứ gió Nam về là cá me lại bắt đầu xuất hiện ở các bãi ngang. Theo đó, một số loài cá khác cũng vào theo để ăn loài cá me này” - anh Toản cho biết.

Cả xã Vĩnh Thái có khoảng 30 chiếc thuyền của ngư dân đánh bắt cá me từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm.
Cả xã Vĩnh Thái có khoảng 30 chiếc thuyền của ngư dân đánh bắt cá me từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm.

Cá me là loại gần giống cá cơm, chỉ nhỏ bằng ngón tay của trẻ em, da cá phần trên có màu xanh đậm, phần bụng có màu trắng nhưng xương mềm, thịt ngọt. Dù nhỏ nhưng cá me được chế biến thành nhiều món ngon của người dân miền Trung vào những ngày hè oi ả.

Khi cơn gió nam thổi về, biển trở nên trong xanh cũng là thời điểm cá me “cập” bờ. Từ chạng vạng tối, từng đàn cá me lại bơi vào chỉ cách bờ biển khoảng vài trăm mét, dọc theo các bãi ngang kiếm ăn sinh vật phù du. Chúng bơi từng đàn lớn lấp loáng dưới ánh trăng.

Ở xã Vĩnh Thái có hơn 220 chiếc thuyền thì có 30 chiếc thuyền chuyên vớt cá me vào mùa này. Vụ mùa đánh bắt kéo dài từ tháng 4 đến hết tháng 8, khi mà những cơn gió mùa đông bắc về, các đàn cá me lại rời đến những vùng nước ấm hơn.

Trời xẩm tối, dọc bãi ngang thôn Thái Lai, những chiếc thuyền đánh bắt cá me cũng bắt đầu rời bến. Tiếng máy nổ giòn tan trên biển đang loang loáng ánh trăng.

Đổ dầu vào máy và mang đá vào các thùng chứa để chuẩn bị ra khơi, tiếng của ngư dân Trần Hữu Toản át tiếng sóng, tiếng gió: “Nghề vớt cá me chỉ đơn giản cần 1 đến 2 lao động là có thể đánh bắt. Nhưng cá me đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nơi đây”.

Mỗi đêm, có thuyền đánh bắt đến vài tạ cá me, cá trắng (cá mầm).
Mỗi đêm, có thuyền đánh bắt đến vài tạ cá me, cá trắng (cá mầm).

Dong thuyền dọc theo các bãi ngang kéo dài từ vùng giáp ranh tỉnh Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình đến tận Mũi Si (xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh) theo từng con nước, luồng sóng, mỗi ngư dân đều tích lũy riêng kinh nghiệm bắt cá me của mình.

Thu nhập tiền triệu mỗi đêm

Ánh đèn công suất lớn được bật lên rọi từng khoảnh mặt biển để tìm luồng cá, khi thấy ánh sáng, đàn cá me sẽ bám theo. Từ mặt biển chúng bơi theo ánh đèn rào rào như mưa, ánh vảy lấp lánh.

Ngư dân giảm ga, chiếc thuyền chậm lại rồi chạy vòng tròn để  “gom” đàn cá lại. “Say” ánh đèn, đàn cá me cứ bám theo lũ lượt. Xoay bánh lái để chiếc thuyền cứ chạy vòng tròn, bấm chặt từng ngón chân lên ván thuyền, ngư dân cầm chiếc vợt lớn rồi lần lượt xúc từng đám cá đang bám theo ánh đèn.

Trên bờ, những phụ nữ tất bật gánh từng chậu cá me lên đường lớn.
Trên bờ, những phụ nữ tất bật gánh từng chậu cá me lên đường lớn.

Có lúc, chỉ một lần xúc, ngư dân xúc cả chục kg cá me lên thuyền. Tiếng cá nhảy lách tách dưới ánh đèn xua đi bao mệt mỏi. Cứ thế, khi cá đầy khoang, ngư dân nhanh chóng trở về bãi.

Khoảng vài giờ đồng hồ sau, tiếng chuông điện thoại của chị Hiền (vợ anh Toản) vang lên. “Anh đang cho thuyền vô, được khoảng tạ cá”, chị vừa nói vừa chạy vội lên nhà mang theo các dụng cụ, thau đựng.

Có đêm, ngư dân "trúng" tiền triệu từ việc đánh bắt cá me.
Có đêm, ngư dân "trúng" tiền triệu từ việc đánh bắt cá me.

Những chiếc thuyền cập bờ, từng thùng đựng cá me được đổ vào các chậu lớn để tiếp tục ra khơi. Trên bờ, tiếng phụ nữ í ới gọi nhau gánh từng chậu cá me lên đường lớn.

Nếu cá đưa vào buổi tối sẽ được rửa sạch cát rồi mang đi phơi khô. Khi cá me được đưa vào buổi sáng sớm, ngư dân mang trực tiếp ra chợ những mớ cá tươi xanh mang đậm đà hương vị của biển.

Ông Nguyễn Hữu Trường - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái chia sẻ: ''Trung bình, mỗi vụ đem lại khoảng 100 triệu đồng/1 lao động. Không chỉ cá me, còn có cá trắng (cá mầm), cá cơm… có khi có thuyền trúng 5 - 6 tạ cá trắng trong một lần đi, thu về hàng chục triệu đồng/đêm.

“Cá đưa vào đa phần được phơi khô để bán. Với mức giá từ 150 - 200 ngàn đồng/1kg cá me phơi khô hoặc cá trắng từ 320 - 350 ngàn đồng/1kg cá khô đã tạo nên nguồn thu nhập đáng kể cho bà con ngư dân ở bãi ngang của xã” - ông Trường cho biết.

Canh chua cá me trở thành món đặc sản giải nhiệt của người miền Trung vào những ngày hè oi ả.
Canh chua cá me trở thành món đặc sản giải nhiệt của người miền Trung vào những ngày hè oi ả.

Thế nên, mỗi sáng đi chợ, cá me tươi trở thành mặt hàng được ưa chuộng hơn cả. Chỉ vài chục nghìn đã có 1kg cá me cho bữa cơm gia đình. Từ cá me kho xổi, đến canh cá me nấu lá chua, cá me xúc bánh tráng… trở thành món ăn khó quên của bất cứ người dân miền Trung nào.

Mùa cá me lại về, mâm cơm gia đình của người dân miền Trung lại dậy mùi thơm của cá me, của từng trái ớt xanh và của cả bát canh chứa đầy vẫn đậm đà vị biển như xóa đi cái nắng oi ả mùa hè.