Khơi nguồn tài chính
Đến thời điểm hiện tại, VPF vẫn đảm bảo được nguồn tiền tài trợ từ đối tác Eximbank. Điều này sẽ giúp cho công tác tổ chức giải được đảm bảo bất chấp những khó khăn từ nền kinh tế.
Thế nhưng, điều khiến VPF cảm thấy lo lắng chính là bản hợp đồng với nhà tài trợ chính của V.League sắp hết hạn. Nếu mùa tới Eximbank không tiếp tục đồng hành cùng V.League thì VPF sẽ trở lại với hành trình chạy ăn.
V.League 2013 sẽ thu hút được nhiều tài trợ, quảng cáo hơn nhờ tài của chuyên gia Kazuyoshi Tanabe?
Chưa hết, đến thời điểm này, VPF vẫn chưa thể tất toán được hợp đồng với các nhà bảo trợ bóng đá Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc, khoản tiền 50 tỷ đồng vẫn nằm trên giấy. Đặc biệt, gần đến ngày khai mạc giải, nhưng VPF vẫn chưa thể công bố những nhà bảo trợ mới ngoài hai DN "người nhà" là Đồng Tâm và Hoàng Anh Gia Lai.
Nếu không tìm được nhà tài trợ, uy tín của VPF và đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng quản trị Võ Quốc Thắng sẽ bị giảm sút. Và điều này sẽ trở thành cái cớ để những người có trách nhiệm tiến hành tái cấu trúc VPF.Vì thế, trong chuyến đi tới Nhật Bản vừa qua, ngoài việc yêu cầu đối tác J.League triển khai các kế hoạch hợp tác, ông Võ Quốc Thắng mong mỏi nhận được sự hỗ trợ về công tác khai thác thương quyền, tiếp thị tài trợ các giải đấu.
Bởi, nếu không tìm được cú hích từ các hoạt động tìm tiền nuôi các giải đấu, sự tồn tại của VPF là không cần thiết.
Quyết tâm thuê chuyên gia Nhật
Bất chấp có những băn khoăn, thậm chí phản đối về ý tưởng thuê chuyên gia Nhật Bản, ông Tanabe sang Việt Nam đảm trách vai trò Phó Tổng Giám đốc VPF phụ trách thi đấu, ông Võ Quốc Thắng vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch của mình.
Theo kế hoạch, ngày 20/2, ông Tanabe sẽ có mặt tại Việt Nam để bắt tay vào công việc.Ông Thắng và Công ty VPF kỳ vọng rằng, sự có mặt của chuyên gia Tanabe sẽ giúp cho công tác tổ chức giải mùa này chuyên nghiệp hơn.
Không biết ông Tanabe có thể giúp VPF nâng tầm giải đấu hay không, nhưng chắc chắn một điều, ngân quỹ vốn đang ngày một bị thu hẹp của công ty này sẽ tốn thêm một khoản tương đối lớn để trả lương cho chuyên gia người Nhật Bản.
Bên cạnh việc đưa chuyên gia Nhật sang Việt Nam đảm trách công tác tổ chức giải, VPF đã đạt được thỏa thuận với J.League về việc giao lưu bóng đá.
Theo đó, hai bên sẽ tích cực trao đổi, tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ ở cấp CLB được thường xuyên thi đấu với nhau. Các đội bóng cũng được khuyến khích thi đấu giao hữu, tập huấn và hợp tác chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, khai thác thương quyền.
Trong tháng 8 tới, ĐT U15 Việt Nam sẽ sang Nhật Bản thi đấu và ngược lại.Trong bối cảnh hiện tại, việc VPF tìm kiếm sự ủng hộ từ J.League là điều hết sức cần thiết. Nhưng phải nhấn mạnh một điều, hoàn cảnh của hai nền bóng đá rất khác nhau nên không ai khác, chính VPF phải là nhân tố chủ yếu giải bài toán của bóng đá Việt Nam.
Họ phải đưa ra được kế hoạch thật sự phù hợp với điều kiện hiện nay thay vì những kế hoạch hoành tráng trên giấy. Thêm vào đó, các cơ quan chức năng và đặc biệt là VFF phải đứng cạnh, hỗ trợ về cơ chế, nhân lực để VPF hoàn thành sứ mệnh của mình.