Ngày 8/3, phiên xét xử 9 bị cáo trong vụ 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà tiếp tục diễn ra với phần tranh luận. Khi bào chữa cho bị cáo Vũ Thanh Hải, luật sư Trần Bình Tuấn cho rằng, trong vụ án này, tiêu chuẩn ANSI/AWWA 950-01 được áp dụng cho các giai đoạn thiết kế, sản xuất, thi công và kiểm tra chất lượng. Đây là tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ do Hiệp hội công trình thủy xây dựng nhưng không phải là thông số kỹ thuật. Việc sử dụng các tiêu chuẩn AWWA là hoàn toàn tự nguyện. Vì vậy, khi tiêu chuẩn này được áp dụng tại Việt Nam phải được Bộ Xây dựng cho phép. Tuy nhiên, cáo trạng áp dụng Pháp lệnh về chất lượng hàng hóa 1999 là sai vì nguyên tắc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định rõ trong khoản 2, Điều 80 Luật ban hành các VBQPPL có hiệu lực từ 1997.
Cũng theo luật sư Tuấn, trong việc thay đổi vật liệu từ ống gang dẻo sang ống cốt sợi thủy tinh cho dự án này, tư vấn thiết kế đã không tính toán hết các tham số kỹ thuật cho loại vật liệu này (đó là độ bền và độ biến dạng do ống nằm trong đất). Từ đó, luật sư cho rằng, cần đánh giá lại hành vi, phạm vi trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế một cách khách quan, công bằng. Bởi, việc tư vấn thiết kế bỏ qua những chỉ tiêu kỹ thuật quan trọng về độ bền lâu của tuyến ống khi nằm trong đất kết hợp với việc vận hành luôn quá tải là nguyên nhân chính làm ống bị vỡ.
|
Bị cáo Vũ Thanh Hải tại tòa. |
Đối với quy kết bị cáo Hải đã ký 66 biên bản nghiệm thu, luật sư Tuấn nêu phân tích: Thống kê trong số 18 lần vỡ trên 23 ống như kết luận điều tra và cáo trạng đã chỉ ra đều là các ống được sản xuất năm 2007 và 2008. Ở giai đoạn này, bị cáo Hải đang là Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh, bán hàng mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm mới. Vì vậy, hành vi ký các biên bản nghiệm thu của bị cáo Hải là sau khi có các biên bản nghiệm thu, các phiếu kết quả chỉ tiêu kỹ thuật đảm bảo theo hợp đồng kinh tế đã ký.
Đây là nhiệm vụ được phân công với mục đích thanh quyết toán và lưu hồ sơ nên không nhằm yếu tố vụ lợi, tham ô. Từ đó, luật sư cho rằng, sự cố vỡ ống gây ra hậu quả không cung cấp nước cho người dân nằm ngoài ý thức chủ quan của bị cáo nên chưa đủ yếu tố cầu thành tội “Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” như cáo trạng đã truy tố.
Tiếp tục phân tích, luật sư Tuấn cho rằng, tuyến truyền tải nước sạch của Dự án cấp nước Sông Đà bị vỡ 18 lần là hậu quả của một chuỗi các sai lầm từ giai đoạn đầu tư, quyết định đầu tư, chuyển đổi vật liệu, công tác tư vấn thiết kế chưa tính toán và yêu cầu đạt các chỉ tiêu như tiêu chuẩn quy định AWWA 950-01. Nhất là các chỉ tiêu về độ bền và suy giảm khi ống nằm trong đất…
Bên cạnh đó, Dự án nước Sông Đà lại sử dụng vật liệu mới và lần đầu áp dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nước sạch. Vì vậy, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành và hậu quả vụ án đã được xem xét “thấu tình đạt lý”, luật sư Tuấn nghị HĐXX áp dụng điều 25 BLHS năm 2015 về rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để tuyên rằng đây là hành vi gây ra thiệt hại trong việc nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật… và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa thì không coi là phạm tội.