Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ án Công ty Việt Á: Bộ Công an đã khởi tố, địa phương có cần lập đoàn thanh tra?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây một số tỉnh, TP lập Đoàn thanh tra việc mua kit xét nghiệm Covid-19, máy xét nghiệm…, tại các cơ sở y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC). Dư luận thắc mắc Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án tại Công ty Việt Á và các CDC, vậy việc lập Đoàn Thanh tra dẫm chân lên nhau? 

Có cần thiết phải thanh tra?

Liên quan vấn đề được bạn đọc quan tâm, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Dương Vĩnh Tuyến - Trưởng Văn phòng Luật sư Dương Chí (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), phân tích: Ngày 17/12/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), các cơ sở y tế và CDC tại 62 tỉnh, TP trên cả nước. Tiếp đó, vào ngày 31/12/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

CDC Bình Phướcđã mua kit xét nghiệm Covid-19, máy xét nghiệm từ Công ty Việt Á trị giá hơn 44,2 tỷ đồng với hình thức chỉ định thầu rút gọn. Ảnh: Xuân Chung.
CDC Bình Phướcđã mua kit xét nghiệm Covid-19, máy xét nghiệm từ Công ty Việt Á trị giá hơn 44,2 tỷ đồng với hình thức chỉ định thầu rút gọn. Ảnh: Xuân Chung.

Việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bị can, bắt tạm giam nhiều đối tượng liên quan đến Công ty Việt Á, thì các địa phương liên quan không được tiến hành thanh tra, kiểm tra những vấn đề liên quan đến vụ án, nhằm bảo đảm tài liệu, chứng cứ liên quan không bị làm sai lệch, góp phần vào việc điều tra, truy tố đúng người đúng tội.

Bộ Công an đã khởi tố vụ án, do đó khi đã có chuyên án thì Bộ Công an đã thông báo cho công an các tỉnh, TP trên cả nước biết. Công an các tỉnh, TP buộc phải thực hiện phong tỏa, giữ nguyên hiện trạng các hành vi chuyển khoản, nhận chuyển khoản tại các CDC, các đơn vị y tế liên quan Công ty Việt Á. Do đó, việc UBND các tỉnh, TP thành lập Đoàn thanh tra là không đúng vì nó sẽ tác động đến chứng cứ.

“Thanh tra là một hoạt động hành chính, sau khi có kết luận thanh tra nếu nhận thấy có dấu hiệu tội phạm thì Thanh tra phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT để giải quyết. Thực tế, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì không có ai có quyền thanh tra nữa”, luật sư Dương Vĩnh Tuyến nói.

Cùng về vấn đề trên, luật sư Trần Thị Ánh - Giám đốc Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương, có một góc nhìn khác. Luật sư Ánh cho rằng Tổng Thanh tra Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện 3 cuộc thanh tra về mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, triển khai trong quý I/2022. Vì vậy việc một số tỉnh, TP lập Đoàn Thanh tra là theo tinh thần kế hoạch trên.

Theo đó, tại điểm n khoản 1 điều 55 Luật Thanh tra số 56/2010/QH12, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra chuyên ngành như sau: “Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết”. Vì vậy, việc tổ chức thanh tra hiện nay là cần thiết.

Không được thanh tra nội dung trùng lắp

Còn luật sư Đào Kim Lân - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Thuận Phát (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), phân tích: Trước tiên phải hỏi vụ án đã được khởi tố trên 62 tỉnh, TP hay chỉ mới ở vài tỉnh? Thứ hai, dù khởi tố vụ án tại Công ty Việt Á, nhưng còn các công ty khác hoặc mặt hàng khác thì sao? Kế đến có những nơi thanh tra nhưng công an đã khởi tố thì tài liệu đã bị thu giữ, người có thể đã bị tạm giam, làm sao thanh tra những nội dung đó? Cuối cùng, nếu trong khi thanh tra mà phát hiện thì thanh tra phải chủ động chuyển cơ quan điều tra. Nếu ai cố tình ngụy tạo, tiêu hủy chứng cứ hay bao che sẽ bị xử lý.

“Bởi lẽ kit xét nghiệm Covid-19 có cả chục nhãn hiệu, giá cũng tương đương với Công ty Việt Á. Hiện nay, chưa có quy định không được thanh tra khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, dự thảo luật lại mới có. Do đó, việc các địa phương quyết định lập Đoàn Thanh tra sẽ diễn ra theo 2 hướng: Nếu nói theo hướng tích cực, địa phương đấy đang chủ động phát hiện và làm sáng tỏ các nghi vấn. Còn nói theo hướng tiêu cực, đây có thể là động thái xoa dịu dư luận, và không loại trừ việc xóa dấu vết. Vì ngay cả luật mới cũng chỉ quy định không được phép “thanh tra cùng nội dung đã khởi tố”.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị y tế, CDC các tỉnh, TP, hành vi được nhắc đến nhiều nhất là “thổi giá”, chưa  đề cập đến chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của trang thiết bị xét nghiệm Covid-19. Thực tế, trong thời gian đỉnh dịch Covid-19 diễn ra vào tháng 7/2021 và 8/2021, việc thổi giá các trang thiết bị nêu trên không chỉ riêng Công ty Việt Á mà còn xảy ra ở nhiều công ty khác chuyên bán các sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm Covid-19” - luật sư Đào Kim Lân nói.

Cũng theo luật sư Đào Kim Lân, việc các tỉnh, TP tổ chức thanh tra cũng là một điểm sáng. Vì ngoài việc CDC các tỉnh, TP trên cả nước dính vào Công ty Việt Á, các Đoàn Thanh tra còn thanh tra nhiều hoạt động khác trong việc mua sắm trang thiết bị, sử dụng ngân sách hoặc hoạt động cứu trợ. Đặc biệt, trong thời điểm đó, ngoài Công ty Việt Á, còn có nhiều đơn vị khác cũng cung cấp kit xét nghiệm hay thiết bị xét nghiệm Covid-19 với giá tương đương (470.000 đồng/kit test) và áp dụng nhiều chính sách khuyến mãi khác cho các đơn vị y tế, CDC các tỉnh, TP.

 

Chi hoa hồng cho đối tác gần 800 tỷ đồng

Liên quan đến vụ án, đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 19 bị can tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương, CDC Nghệ An, CDC Bình Dương, Sở Y tế tỉnh Bình Dương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ… Số tiền từ việc bán các sản phẩm cho CDC và các đơn vị y tế tại 62 tỉnh, thành phố, Công ty Việt Á thu về gần 4.000 tỷ đồng.

Theo lời khai của bị can Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), việc thổi giá kit xét nghiệm Covid-19, lên tới 45% giá trị thực, thu về hơn 500 tỷ đồng, trong đó chi hoa hồng cho các đơn vị mua kit xét nghiệm tới tới 800 tỷ đồng. Hiện vụ án vẫn đang được Cơ quan CSĐT Bộ Công an mở rộng điều tra.