70 năm giải phóng Thủ đô

Vụ án Dương Thị Bạch Diệp lừa đảo: Nhiều cán bộ các sở, ngành có liên quan

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong việc hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng với số 185 Hai Bà Trưng, ông Lê Hoàng Quân - Nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh (Trưởng Ban chỉ đạo 09) là người quyết định cuối cùng, nhưng chỉ có những cán bộ dưới quyền bị bắt.

Nhiều cán bộ có liên quan đến vụ án
Trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do TAND TP Hồ Chí Minh đang xét xử đối với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, quê Bình Định, ngụ TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Thành Tài (SN 1952, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) cùng các thuộc cấp nguyên là Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở TN&MT, Sở Tài chính, Sở VH-TT&DL…còn nhiều cán bộ thuộc các sở, ngành có liên quan.
Đáng chú ý liên quan đến vụ hoán đổi tài sản dẫn đến xảy ra vụ án, thời điểm đó có ông Lê Hoàng Quân trên cương vị là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh (Trưởng Ban chỉ đạo 09) là người quyết định cuối cùng.
 Bị cáo Nguyễn Thành Tài và Dương Thị Bạch Diệp (ngồi giữa Cảnh sát hỗ trợ tư pháp) tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15/3.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, nhiều cán bộ các sở, ngành có liên quan nhưng chỉ bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị xử lý hành chính vì chỉ được cử đi họp để nghe rồi về báo cáo, hoặc ký nháy trên công văn và không được giao nhiệm vụ kiểm tra tính pháp lý của tài sản số 57 Cao Thắng của Công ty Diệp Bạch Dương đã đem thế chấp ngân hàng.
Cũng theo cáo trạng, sau khi căn cứ ý kiến của các sở, ngành liên quan việc hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng với nhà đất 185 Hai Bà Trưng. Sở Tài chính áp dụng phương pháp thẩm định giá để bán đối với tài sản hoán đối theo quyết định ngày 1/12/2003 của UBND TP Hồ Chí Minh. Đến ngày 10/12/2010, ông Nguyễn Thành Tài ký quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại 185 Hai Bà Trưng hơn 187,2 tỷ đồng, giá trị công trình trên đất hơn 152,6 triệu đồng. Còn giá trị tài sản 57 Cao Thắng hơn 176,3 tỷ đồng.
Năm 2011, ông Nguyễn Thành Tài về hưu, thay chỗ là ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh (Hiện ông Tín đã bị xử tù trong nhiều vụ án khác). Ngày 23/11/2011, ông Tín ký văn bản 5872/UBND-ĐTMT phê duyệt giá trị quyết toán công trình số 57 Cao Thắng hơn 20,6 tỷ đồng. Song song đó, căn cứ công văn số 956/UBND-ĐTMT ngày 5/3/2010 của Công ty Diệp Bạch Dương cam kết xây dựng công trình 57 Cao Thắng là 25 tỷ đồng nên yêu cầu công ty này phải nộp số tiền chênh lệch hơn 4,3 tỷ đồng vào ngân sách. Tuy nhiên bà Dương Thị Bạch Diệp không thống nhất nên khiếu nại và kiến nghị hủy bỏ việc hoán đổi tài sản.
“Sự việc đã rồi”, nên phải hoán đổi!
Lúc này ông Tín tổ chức họp với các đơn vị liên quan. Ngày 16/4/2012, Văn phòng UBND TP ban hành thông báo 242/TB-VP, có nội dung: “Do việc hoán đổi là sự việc đã xảy ra rồi. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và Văn phòng UBND TP rà soát, hệ thống lại toàn bộ hồ sơ pháp lý, quá trình xử lý có đúng quy định hay không, báo cáo, đề xuất trình Thường trực UBND TP xem xét, quyết định toàn bộ vụ việc”.
Thực hiện chỉ đạo của ông Tín, Sở Tài chính có báo cáo 4572 ngày 23/5/2012: Chấp thuận không thu thêm khoản tiền hơn 4,3 tỷ đồng của Công ty Diệp Bạch Dương theo văn bản 5872 của UBND TP. Giao Sở Tài chính lập thủ tục chuyển hơn 4,3 tỷ đồng trong số 5 tỷ đồng Công ty Diệp Bạch Dương đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước TP nộp vào tài khoản ngân sách. Số tiền còn lại hơn 664 triệu đồng được xem là khoản hỗ trợ thêm của Công ty Diệp Bạch Dương cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ. Đối với Sở TN&MT lập thủ tục cấp giấy chứng nhận QSHNƠ&QSDĐƠ nhà đất 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương. Sở Xây dựng lập thủ tục xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với nhà đất số 57 Cao Thắng theo quy định.
Căn cứ báo cáo 4572, ông Lê Văn Thanh - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh ký tờ trình ngày 9/8/2012 gửi Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh với nội dung: Đề xuất của Sở Tài chính và các ngành là hợp lý. Tiếp tục thực hiện hoán đổi.
Trên cơ sở nhận định và đề xuất của Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, ngày 7/1/2013, ông Lê Hoàng Quân trên cương vị là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, chủ trì cuộc họp gồm: ông Nguyễn Hữu Tín (Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) cùng đại diện nhiều sở, ngành.
Sau cuộc họp, Văn phòng UBND TP có thông báo 22/TB-VP ngày 10/1/2013 kết luận chỉ đạo của ông Lê Hoàng Quân, với các nội dung: Chấp thuận chủ trương hoàn trả 5 tỷ đồng Công ty Diệp Bạch Dương theo cam kết hỗ trợ ban đầu. Do giá trị quyết toán công trình 57 Cao Thắng theo phê duyệt của UBND TP Hồ Chí Minh tại Công văn số 5872 ngày 23/11/2011 thấp hơn so với giá trị đầu tư được xác định ban đầu là 25 tỷ đồng, nên yêu cầu Công ty Diệp Bạch Dương có trách nhiệm nộp số tiền chênh lệch hơn 4,3 tỷ đồng vào ngân sách.
Sau khi Công ty Diệp Bạch Dương thực hiện nghĩa vụ tài chính, Sở TN&MT lập thủ tục cấp giấy chứng nhận QSHNƠ&QSDĐƠ cho công ty này đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng. Giao Sở Xây dựng lập thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với nhà đất số 57 Cao Thắng.
Nhà nước "mất trắng" tài sản 185 Hai Bà Trưng
Ngày 4/2/2013, ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở TN&MT ký cấp giấy chứng nhận QSDĐƠ&QSHNƠ nhà đất 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương. Vừa có giấy tờ hợp pháp, Công ty Diệp Bạch Dương không dùng tài sản 185 Hai Bà Trưng thay thế cho tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp tại Agribank TP Hồ Chí Minh, mà đem thế chấp vay 160 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Sacombank).
Đến ngày 22/4/2013, ông Nguyễn Hữu Tín ký quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước tại 57 Cao Thắng và giao Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận QSDĐƠ&QSHNƠ cho Trung tâm ca nhạc nhẹ. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận không thực hiện được vì nhà đất 57 Cao Thắng đã được Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp vay vốn tại Agribank TP Hồ Chí Minh. Và ngân hàng này không giải chấp nhà 57 Cao Thắng để Sở TN&MT cấp giấy cho Trung tâm ca nhạc nhẹ. Đến nay Nhà nước đã mất QSHNƠ&QSDĐƠ đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng, không xác lập được QSHNƠ&QSDĐƠ đối với tài sản số 57 Cao Thắng, thiệt hại hơn 186 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định ông Lê Hoàng Quân đã đồng ý chủ trương hoán đổi tài sản, chỉ đạo ông Tài thực hiện. Ông Quân đồng ý cấp giấy chứng nhận QSDĐƠ&QSHNƠ tại 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương không đúng quy định. Nhưng hành vi của ông Quân không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thất thoát tài sản Nhà nước. Để xảy ra hậu quả thiệt hại cho Nhà nước, trách nhiệm chính là UBND TP Hồ Chí Minh và các sở, ngành liên quan. Sai phạm này, ông Lê Hoàng Quân có một phần trách nhiệm nhưng ở mức độ hạn chế nên Cơ quan điều tra xác định chưa đến mức phải xử lý hình sự, chỉ kiến nghị xử lý hành chính.