Vụ án Ethanol Phú Thọ: Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh bác quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục phần tranh tụng tại phiên xét xử sơ thẩm, các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đã phản bác quan điểm luận tội của VKS.

Ngày 11/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phần tranh tụng tại phiên xét xử sơ thẩm 12 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ.

Ngày 11/3, ngày thứ 4 diễn ra phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ, gây thất thoát hơn 543 tỷ đồng tại TAND TP Hà Nội.

Sau khi bị VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt 12-13 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) được HĐXX cho phép tranh luận với VKS.

Các bị cáo tại tòa 

Trong phần tranh luận, ông Đinh La Thăng phản bác quan điểm luận tội của VKS và cho rằng bản thân không bao giờ có ý kiến buộc chỉ định thầu cho nhà thầu. Đồng thời, đề nghị đại diện VKS nêu rõ văn bản nào, lời khai nào cho thấy bị cáo chỉ đạo chỉ định thầu cho PVC. Bởi theo bị cáo, công văn giới thiệu PVC chỉ là trong nội bộ PVN, không gửi cho chủ đầu tư (PVB), nhưng cáo trạng lại cho rằng PVB căn cứ vào chỉ đạo của PVN.

Về nguyên nhân dự án Ethanol Phú Thọ bị dừng thi công, ông Đinh La Thăng cho rằng do thiếu tiền chứ không phải do nhà thầu thiếu năng lực như quan điểm của VKS. Không đồng tình với cách tính thiệt hại trong vụ án này, ông cho rằng, ngân hàng cho chủ đầu tư vay thì phải thẩm định và có tài sản thế chấp, không thể tính số tiền lãi phải trả thành số tiền thiệt hại.

Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Thanh một mực phủ nhận cáo buộc có sai phạm trong việc mua 3.400m2 đất tại thị trấn Tam Đảo. Quá trình thẩm vấn, Trịnh Xuân Thanh nhiều lần khẳng định: “Bị cáo Đỗ Văn Hồng mua đất đầu tư dự án, song kinh tế khó khăn đã bán lại. Chính bị cáo là người huy động bạn bè và người thân mua giúp, việc này không liên quan gì đến bị cáo”. Việc này đã được đối chất với bị cáo Hồng và người này thừa nhận không hề bàn bạc gì với Trịnh Xuân Thanh và Thanh không liên quan. Căn cứ vào nội dung thẩm vấn, Trịnh Xuân Thanh đề nghị HĐXX xem xét lại việc kê biên một số tài sản của người nhà.

Liên quan đến nội dung cáo buộc của VKS cho rằng, Trịnh Xuân Thanh đồng phạm tích cực, phạm tội lệ thuộc vào chỉ đạo của cấp trên, Trịnh Xuân Thanh phủ nhận cáo buộc này vì cho rằng “dự án thiếu tiền, còn PVC không thiếu năng lực”. Trịnh Xuân Thanh cũng cho rằng, ông Đinh La Thăng không sai khi chỉ định thầu cho PVC vì từ trước công trình nào của tập đoàn PVN, đơn vị của Trịnh Xuân Thanh cũng xin thực hiện, còn được tham gia hay không là của chủ đầu tư.

Trong khi đó, cáo buộc quy kết, mặc dù biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực Ethanol, nhưng từ trước khi PVB triển khai lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ, với vai trò là Chủ tịch HĐQT PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, ông Đinh La Thăng đã chủ trì nhiều cuộc họp của PVN và Ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, định hướng việc giao thầu cho PVC theo như đề nghị của Trịnh Xuân Thanh.

Trước đó, ngày 10/3, đại diện VKS đề nghị tòa sơ thẩm phạt bị cáo Đinh La Thăng 12 - 13 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án từ 11 - 12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và 10 - 11 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp mức án đề nghị bị cáo Thanh phải chấp hành là từ 21 - 23 năm tù.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần