Vụ án Lê Quốc Quân và thủ đoạn phạm tội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội vừa mở phiên tòa công khai xét xử theo thủ tục phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Quốc Quân (SN 1971, trú tại phòng 504, nhà No9, tổ 64, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) phạm tội trốn thuế.

 Sau khi xét xử công khai, Hội đồng xét xử đã quyết định không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm.

Quyết định này của Tòa phúc thẩm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Với những hành vi vi phạm được cơ quan điều tra xác định, thì bản án dành cho Lê Quốc Quân là thích đáng. Đây cũng là bài học cho những ai coi thường tính nghiêm minh của pháp luật.

 Bài 1: Lập khống hồ sơ và chứng từ thu chi để... trốn thuế

 Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã áp dụng khoản 3 Điều 161 - Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Lê Quốc Quân 30 tháng tù về tội "trốn thuế"; thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt (27/12/2012). Về trách nhiệm dân sự, Tòa tuyên buộc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam (Công ty) có nghĩa vụ truy nộp trên 645 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã trốn trong 2 năm (2010 và 2011) cho Chi cục Thuế quận Cầu Giấy để nộp Ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn quyết định phạt số tiền thuế đã trốn đối với Công ty hơn 1,29 tỷ đồng để sung quỹ Nhà nước.
Lê Quốc Quân tại Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao.
Lê Quốc Quân tại Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao.
Theo hồ sơ vụ việc, Công ty được thành lập từ ngày 13/4/2001 do Lê Quốc Quân làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật, trụ sở tại số 21 đường Vũ Phạm Hàm (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Công ty đăng ký các ngành nghề kinh doanh: Tư vấn đầu tư trong và ngoài nước, dịch vụ lao động, đào tạo, dạy nghề kỹ thuật nông lâm nghiệp, cơ khí điện, dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quản lý các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau 13 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, đến nay Công ty đã bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh, gồm: Cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ, xử lý dữ liệu và khai thác cơ sở dữ liệu; tổ chức hội nghị, hội thảo.

 Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Lê Quốc Quân đã thuê Phạm Thị Phương làm kế toán ngoài giờ cho Công ty (từ tháng 8/2008) với công việc làm sổ sách kế toán, cân đổi sổ sách, báo cáo quyết toán thuế cho công ty. Để trốn thuế và tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện, Quân đã chỉ đạo Phạm Thị Phương tìm người quen có bằng cấp kế toán, tài chính, chuyên gia kinh tế và lấy thông tin của họ để lập các hợp đồng tư vấn môi giới thương mại khống với Công ty. Công ty đóng tiền thuế thu nhập cá nhân và trả tiền thù lao cho ký hợp đồng khoảng 2% giá trị của hợp đồng.

 Thực hiện chỉ đạo của Quân, Phạm Thị Phương trực tiếp lấy thông tin của một số cá nhân gồm: Trần Văn Thanh, Đinh Thị Xuân Hằng, Nguyễn Thị Thơm, Trần Thị Thư, Thịnh và Trang. Bản thân Quân cũng thu thập thông tin của một số cá nhân như Phạm Thị Hà, Lại Thế Khang và Phan Thanh Hải. Sau khi có thông tin, Phạm Thị Phương lập sẵn nhiều hợp đồng lao động dưới 3 tháng, phiếu chi tiền mặt, chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân để Lê Quốc Quân ký, đóng dấu Công ty sau đó đưa cho các cá nhân ký rồi đưa cho Vũ Thị Hà - kế toán, Phan Thị Tuyết - thủ quỹ Công ty, Trần Thị Nụ - nhân viên Công ty ký hợp thức vào các phiếu chi, phiếu thu tiền mặt.

Với phương thức thủ đoạn trên, trong 2 năm 2010 và 2011, Phạm Thị Phương đã lập khống nhiều hợp đồng với 9 chuyên gia tư vấn để họ ký khống cho Công ty làm tăng chi phí số tiền 1.750.000.000 đồng và đã kê khai trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó: Năm 2010 Công ty đã lập khống các hợp đồng lao động với 6 cá nhân. Số tiền phải chi và đã kê khai với cơ quan thuế 891 triệu đồng, gồm: Phạm Thu Hà (hơn 183 triệu đồng); Trần Văn Thanh (174 triệu đồng); Phạm Thị Huyền Trang (hơn 162 triệu đồng)… Năm 2011, Công ty tiếp tục lập khống hợp đồng lao động với 4 cá nhân với số tiền phải chi và đã kê khai với cơ quan thuế 859 triệu đồng gồm: Phạm Thu Hà, Vũ Thị Thịnh, Trần Thị Thư, Lại Thế Khang.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ được 36 hợp đồng, 36 phiếu chi tiền mặt, 36 phiếu thu tiền mặt, 18 chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân có chữ ký của Lê Quốc Quân và dấu của Công ty.

Tại bản kết luận giám định số 7271/ PC54 ngày 21/12/2012 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội kết luận: Chữ ký, hình dấu dưới mục đại diện bên B trên 36 hợp đồng; Dưới mục giám đốc Công ty trên 36 phiếu chi tiền mặt; dưới mục tổ chức, cá nhân trả thu nhập trên 18 chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân với dấu tròn "Công ty Giải Pháp Việt Nam" và chữ ký Lê Quốc Quân trên các mẫu so sánh là do cùng một con người đóng dấu và do cùng một người ký. Theo văn bản số  3264 ngày 22/12/2012 của Cục thuế TP Hà Nội kết luận Công ty đã lập khống hồ sơ thuê chuyên gia trong 2 năm 2010 và 2011 với số tiền 1.750.000.000 đồng "Hành vi này là trốn thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền 437.500.000 đồng".

Trong quá trình điều tra và tại phiên sơ thẩm, phúc thẩm, Quân vẫn cho rằng hành vi của bị cáo không vi phạm pháp luật về quản lý thuế. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của Phạm Thị Phương và những người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án, tại cơ quan điều tra và các phiên tòa đều thống nhất: Theo chỉ đạo của Quân, Phương là người lập các hợp đồng, phiếu thu, chi rồi đưa cho Quân ký trước, sau đem đến cho các cá nhân ký. Khi ký hợp đồng, ký phiếu chi, phiếu thu tiền mặt đều có chữ ký của Quân và dấu của Công ty.

 Bài 2: Thủ đoạn sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng khống như thế nào?

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần