70 năm giải phóng Thủ đô

Vụ buôn lậu tại Công ty Nhật Cường: Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Ánh bị đề nghị từ 15 – 16 năm tù

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 6/5, phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ án “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) kết thúc phần xét hỏi và đại diện VKS đã nêu quan điểm luận tội đối với các bị cáo.

Thu lợi bất chính 221 tỷ đồng
Theo nhận định của đại diện VKS, quá trình kinh doanh của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường đã thực hiện việc buôn lậu hàng hóa, thành lập Công ty Nhật Cường Quảng Châu (Trung Quốc) để phục vụ cho việc vận chuyển hàng lậu. 
 Các bị cáo tại phiên toà.
Cụ thể, Huy đã thuê nhiều đường dây vận chuyển hơn 250.000 sản phẩm lậu (điện thoại di động, máy tính, máy nghe nhạc...) từ nước ngoài qua đường biển, đường hàng không về Việt Nam tiêu thụ. Đồng thời, trực tiếp tạo lập các nhóm chat để thực hiện việc giao dịch mua bán hàng hóa với 16 nhà cung cấp và trao đổi thống nhất với 9 đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ nước ngoài về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ. Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Huy và đồng phạm đã tiêu thụ được 255.000 sản phẩm và thu lợi bất chính 221 tỷ đồng. Từ đó, đại diện VKS nhận định đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, trong đó Huy là người chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện. 
Về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, theo VKS, từ năm 2014, Huy chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi hoạt động kinh doanh của công ty rồi chỉ đạo Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc tài chính và Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng của Công ty Nhật Cường sử dụng, ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động của công ty trên hai hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA. Trong đó, có nhiều số liệu về tài sản nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty con do Huy thành lập chỉ được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào các báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý Nhà nước. 
Hành vi lập 2 hệ thống sổ sách kế toán đã bỏ ngoài sổ sách kế toán tài sản, nguồn vốn hoạt động thực tế của công ty. Hành vi này nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng. Trong nội dung này, VKS nhận định, Huy là người trực tiếp chỉ đạo, chủ mưu trong vụ án; bị cáo Hằng và Bảo Ngọc là người thực hành.
 Bị cáo Trần Ngọc Ánh khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội
Xét vai trò của từng bị cáo, VKS nhận định, bị cáo Trần Ngọc Ánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường biết rõ công ty nhập hàng lậu để bán ra thị trường, thu lợi bất chính nhưng bị cáo đã thực hiện chỉ đạo của Huy nên là người thực hành tích cực nhất. Theo VKS, bị cáo Ánh phạm tội thuộc trường hợp phạm tội 2 lần trở lên nhưng trong quá trình điều tra và xét xử tại phiên tòa, VKS nhận thấy bị cáo đã thành khẩn khai nhận, tích cực phối hợp với CQĐT nên có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ, xem xét khi quyết định hình phạt.
Đối với bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc được Huy giao nhiệm vụ theo dõi tiền hàng, là đầu mối chuyển tiền cho những nhà cung cấp. Đại diện VKS nhận định bị cáo Ngọc là người giúp sức cho Huy, Ánh buôn lậu hàng hóa. Ngoài ra, bị cáo Ngọc còn thực hiện việc ghi chép số liệu trên 2 hệ thống sổ sách theo chỉ đạo của Huy nhằm che đậy sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Dù bị cáo phạm tội 2 lần trở lên với vai trò đồng phạm nhưng VKS cũng cho rằng nữ bị cáo đã chủ động khai báo, ăn năn hối cải nên có căn cứ xem xét khi quyết định hình phạt.
Với các bị cáo khác, theo nhận định của VKS, các bị cáo đều đóng vai trò đồng phạm, giúp sức cho Huy thực hiện hành vi buôn lậu trái pháp luật. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến chính sách quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lớn. Vì vậy, VKS nhận định việc truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Từ những nhận định trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc từ 9 – 10 năm tù về tội “Buôn lậu”; 5 – 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và tổng hình phạt từ 14 – 16 năm tù. 
Đối với tội “Buôn lậu”, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Ngọc Ánh từ 15 – 16 năm tù; Trần Tất Khoa - Giám đốc Công ty Nhật Cường Quảng Châu từ 7 – 8 năm tù; còn 10 bị cáo còn lại bị đề nghị thấp nhất là 3 năm và cao nhất 14 năm tù. Riêng bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường bị đề nghị từ 4 – 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.