Vụ cháu bé rơi xuống hố 35m, đưa máy chuyên dụng dò tìm

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều tối nay, lực lượng cứu hộ vẫn đang tiến hành các biện pháp giải cứu cháu Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) rơi xuống hố sâu 35m tại công trình cầu Rọc Sen (trên tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình). Máy móc, thiết bị hiện đại đã được huy động hỗ trợ giải cứu.

Hiện các lực lượng chức năng, chuyên môn có mặt tại hiện trường đã chuẩn bị các phương án để xử lý tùy theo tình huống phát sinh, trên tinh thần đảm bảo an toàn cho bé và đẩy nhanh công tác cứu hộ cứu nạn kịp thời, nhanh chóng.

Hiện trường cháu bé rơi xuống hố sâu 35m được điều thiết bị chuyên dụng để tìm kiếm và giải cứu. Ảnh PV
Hiện trường cháu bé rơi xuống hố sâu 35m được điều thiết bị chuyên dụng để tìm kiếm và giải cứu. Ảnh PV

Dùng camera chuyên dụng tìm vị trí

Cùng ngày (2/1), ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp cho biết, trong chiều nay sẽ sử dụng thiết bị chuyên dùng để khoan giếng có chiều dài 500 m được huy động xuống hiện trường cùng 4 kỹ sư vận hành để thăm dò vị trí nạn nhân.

Loại camera này chuyên dùng thăm dò địa chất, có thể thấy hình ảnh kể cả trong môi trường tối. Khi xác định vị trí của người bị nạn, tuỳ từng vị trí, đội ứng cứu sẽ có biện pháp tương ứng. Tuy nhiên thiết bị này không thể xác định chỉ số sinh tồn của cháu bé.

Mọi công tác cứu hộ đang được khẩn trương từng ngày, từng giờ mong kỳ tích đến với cháu bé. Ảnh PV
Mọi công tác cứu hộ đang được khẩn trương từng ngày, từng giờ mong kỳ tích đến với cháu bé. Ảnh PV

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Quân khu 9 đã cử lực lượng công binh với thiết bị chuyên dụng như máy nội soi thăm dò, thiết bị cưa cắt khối bê tông… đến hiện trường giải cứu cháu bé. 

Theo nhiều chuyên gia, việc cứu cháu bé 10 tuổi mắc kẹt trong khối bê tông này rất phức tạp, do đường kính trụ bê tông quá nhỏ, lực lượng chuyên nghiệp không thể chui lọt, chỉ có sử dụng máy móc chuyên dụng để đưa cọc bê tông lên mới có hi vọng cứu cháu bé.

Công tác cứu hộ còn lúng túng

Ông Đoàn Tấn Bửu cho biết, đây là vụ giải cứu chưa có tiền lệ tại địa phương, nên về phương án cứu hộ vẫn đang còn bị động, chỉ tập trung làm mềm phần đất xung quanh ống bê tông để giảm bớt bám dính ma sát.

"Lực lượng cứu hộ đã thực hiện các giải pháp để sớm đưa được ống bê tông mà cháu bé rơi lên, sau đó để cứu hộ bằng các giải pháp tiếp theo bằng thiết bị chuyên dụng trên mặt đất" - ông Đoàn Tấn Bửu nhấn mạnh.

Công tác cứu hộ vẫn chưa có phương án cụ thể vẫn đang lúng túng. Ảnh PV
Công tác cứu hộ vẫn chưa có phương án cụ thể vẫn đang lúng túng. Ảnh PV

Một lãnh đạo có mặt tại hiện trường cho biết, để giải cứu cháu bé cần tập trung các lực lượng chuyên môn tại hiện trường với các thiết bị chuyên dụng, nhóm kỹ thuật để giải cứu bé trai một cách nhanh nhất. Hy vọng sẽ có kết quả sớm, không kéo dài để giảm bớt áp lực, lo lắng cho gia đình bé trai.

Ông Đoàn Tấn Bửu thông tin thêm, không thể tiến hành song song hai biện pháp thăm dò và cứu hộ được. Chỉ ưu tiên cho cứu hộ để rút ngắn thời gian cứu cháu bé; còn thăm dò chỉ khi thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tiếp tục bơm oxy để có dưỡng khí cho bé.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, khoan cọc xoắn ốc (khoan luồng xoay) nhằm cân bằng áp lực đất, không để cọc bê tông bị xô ngã. Việc này sẽ mất khá nhiều thời gian. Trước đó, khi lực lượng cứu hộ khoan cọc nhồi do địa chất yếu nên cột bị trượt phải ngưng để tránh nguy hiểm cho nạn nhân.

Gia đình thấp thỏm hy vọng kỳ tích

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, từ nhỏ Nam khá nhỏ người, lúc sinh ra nặng 3,1 kg, hiện dù 10 tuổi chỉ nặng hơn 20 kg. Cháu Nam ngoan, học khá, mỗi ngày trước khi đi học thường ra chợ mua thức ăn sáng cho ba mẹ, em gái hơn tuổi rưỡi rồi mới đi học.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh mẹ cháu Nam vẫn đang thấp thỏm chờ đón kỳ tích cứu sống con trai. Ảnh PV
Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh mẹ cháu Nam vẫn đang thấp thỏm chờ đón kỳ tích cứu sống con trai. Ảnh PV

Người thân của bà Linh cho biết, hai ngày qua chị Linh thẫn thờ không ăn uống, chợp mắt nghỉ ngơi. Còn ông Thái Văn Tấn Tài ba Nam thì tức trực tại hiện trường chờ đón tin con.

Một khía cạnh khác, theo ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tiên lượng khả năng sống sót của bé trai thấp do bé rơi thẳng xuống đoạn ống sâu nên có khả năng bị đa chấn thương, thiếu dưỡng khí.

Như Kinh tế & Đô thị đã thông tin, khoảng 11 giờ 30 ngày 31/12/2022, cháu Thái Lý Hào Nam cùng ba bạn trong xóm ra công trình cầu Rọc Sen (trên tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) để nhặt sắt vụn. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam bất ngờ bị lọt xuống trụ bê tông rỗng bên trong.

Bình oxy được lực lượng chức năng tiếp dưỡng khí cho cháu bé. Ảnh PV
Bình oxy được lực lượng chức năng tiếp dưỡng khí cho cháu bé. Ảnh PV

Cầu Rọc Sen thi công khoảng 6 tháng và đã hoàn thành mố cầu hai bên. Mỗi mố được cố định bằng 3 trụ bê tông, rỗng bên trong, độ sâu khoảng 35m. Vài ngày trước đội thi công chuyển máy móc sang mố cầu bên kia nhưng chưa lấp đất những trụ đã cắm xuống. Xung quanh mố cầu được rào tạm bằng dây.

Khi vụ việc xảy ra, các bạn đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành. Sau đó, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án, trong đó dùng máy xúc múc quanh trụ bê tông tạo miệng hố rộng để nhổ cọc. Tuy nhiên, khi đào xuống khoảng 10m, lực lượng cứu hộ không thể rút được trụ lên. Nhóm cứu hộ bơm oxy và chuyền nước xuống cho nạn nhân uống nhưng đến sáng nay vẫn chưa có tín hiệu nào từ phía nạn nhân.

Trưa nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản chỉ đạo tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tai nạn tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.