Ở phía Tây thủ đô, giữa quận Kensington và Chelsea giàu có, nhưng khu chung cư Grenfell nằm trong khu vực có thu nhập thấp nhất nhì London. Tòa chung cư 24 tầng từng là nơi sinh sống của khoảng 500 người dân nhưng lại luôn ở trong tình trạng xuống cấp thảm hại. "Căn hộ chúng tôi đầy các vết nứt, lỗ thủng, tường ngấm nước, mục nát và nấm mốc, chưa kể gián, chuột và kiến" - bà Kim, một cư dân ở Grenfell cho biết.
Việc bảo trì được tiến hành vào năm 2015 nhưng tình trạng vẫn không khá khẩm hơn. Nhiều người dân còn cho hay, tòa nhà không có hệ thống chữa cháy tự động. Khi đám cháy xảy ra, họ thậm chí còn không nghe thấy tiếng chuông báo động. Mới đây nhất, thông tin từ tờ The Guardian cho hay, tấm lợp được sử dụng cho tòa nhà Grenfell là tấm lợp lõi nhựa, không có khả năng chống cháy và có giá thành rẻ hơn loại chuyên chống cháy khoảng 2 Bảng/m2. Công ty xây dựng Rydon Maintenance là nhà thầu chính phụ trách dự án bảo trì tòa nhà nhưng lại giao cho nhà thầu phụ là công ty Harley Facades tiến hành việc lắp đặt. Đại diện Harley Facades đã xác nhận việc mua các tấm lợp giá rẻ.
Tại các nước châu Âu khác như Đức, các công ty xây dựng đã bị cấm sử dụng tấm lợp lõi nhựa với các công trình cao hơn 22m kể từ những năm 1980 nhằm đảm bảo an toàn tại các khu nhà ở. Các tòa nhà cao tầng phải được sử dụng tấm lợp có lõi chống cháy và cầu thang riêng phục vụ cho việc sơ tán trong trường hợp cần thiết. Các quy định về tiêu chuẩn xây dựng ở Mỹ cũng hạn chế việc sử dụng tấm kim loại tổng hợp mà không có lõi chống cháy đối với các tòa nhà cao trên 15m.
Điều này đã khiến người dân phẫn nộ. Họ cho rằng, chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm với điều kiện sống của người dân trong các khu thu nhập thấp. Một số vụ biểu tình đã xảy ra ngay trước tòa nhà hội đồng địa phương và ban quản lý chung cư Grenfell. Một khảo sát của chính phủ đã xếp chung cư Grenfell là một trong những khu đói nghèo nhất nước Anh vào năm 2015. Thực tế, chỉ cách tòa Grenfell khoảng 10 phút đi bộ là thế giới của tầng lớp thượng lưu ở London. Những chiếc xe ôtô đắt tiền BMW, Jaguar và Audi đỗ dọc các con phố. Còn các căn biệt thự đắt tiền liên tục có hàng tốp công nhân đến sơn sửa. "Trong khi đó, các chung cư thuộc diện nhà ở xã hội luôn trong tình trạng không được quan tâm suốt một thời gian dài", Azar Hussain - một cư dân sống gần chung cư Grenfell bức xúc nói.
"Cư dân ở Grenfell đã nhiều lần phàn nàn về tình trạng thiết bị phòng cháy chữa cháy xuống cấp nhưng sự việc không thay đổi. Điều này cho thấy một thực tế, trong xã hội hiện đại Anh, không phải ai cũng được lắng nghe. Sự chia rẽ giàu - nghèo sẽ ngày càng lớn và gây ra những đứt gãy trong lòng xã hội Anh" - cây bút bình luận của HuffPost Skyler Baker - Jordan nhận định.