Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ chạy thận làm 8 người chết tại Hoà Bình: Viện kiểm sát đề nghị toà trả hồ sơ, tiếp tục làm rõ

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/5, phiên tòa xét xử vụ án chạy thận khiến 8 người chết (cập nhật mới là 9 người chết) xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình tiếp tục có diễn biến gay cấn trong ngày thứ 11.

 Các bị cáo tại phiên tòa
Mở đầu phiên xét xử, phần xét hỏi được quay trở lại sau khi luật sư Ngô Thị Thu Hằng nộp cho HĐXX vi bằng do ông Hoàng Công Tình (phụ trách khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình) cung cấp. Vi bằng ghi nhận nội dung ghi âm cuộc gọi điện giữa ông Tình và ông Đinh Tiến Công (điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực). Trong đó, ông Công thừa nhận với ông Tình về việc ghi thêm vào sổ giao ban năm 2015 với nội dung phân công bác sỹ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo. Ông Công cũng thừa nhận không nhận được quyết định nào bằng văn bản phân công nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo cho bác sỹ Hoàng Công Lương.
Diễn biến phiên toà chỉ rõ, từ năm 2010 tới nay, Công ty Thiên Sơn đã đặt máy chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình để kinh doanh. Doanh thu được chia theo tỷ lệ 90% về Công ty Thiên Sơn, 10% cho bệnh viện. Phía BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết, giá chạy thận tại đây cao gấp 2 lần so với Bệnh viện Bạch Mai và các địa phương khác. Tuy vậy, trong việc chạy thận, bệnh viện luôn luôn lỗ, chỉ phía Công ty Thiên Sơn có lãi.

Tại tòa, VKS tái đề nghị tòa tuyên BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn phải liên đới bồi thường cho các bị hại. Luật sư của BVĐK Hòa Bình đồng tình ý kiến này và đề nghị tòa khởi tố vụ án với ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn vì chuyển nhượng thầu trái phép cho Công ty Trâm Anh.

Tại phần tranh luận, VKS cho rằng, trong luận tội và trong cáo trạng không đề cập đến việc bị cáo Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo. VKS khẳng định theo quy chế thì ông Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc bệnh viện) được phép giao nhiệm vụ cho bị cáo Lương.

Tại phiên tòa, hành vi khách quan của bị cáo Lương đã được làm rõ. Cụ thể, bị cáo Lương là người ký đề xuất sửa chữa hệ thống, trong đó có nội dung tẩy rửa hệ thống RO. Điều này buộc bị cáo Lương phải biết chất lượng nước trong lọc thận, phù hợp với các quy chế. VKS không cáo buộc bị cáo Lương phải biết tiêu chuẩn nước mà phải biết tầm quan trọng của nước RO. Với vai trò là người đề nghị sửa chữa, biết rõ ngày sửa chữa, bị cáo Lương không thể chỉ nghe báo cáo lại mà buộc phải kiểm tra xem đã có bàn giao chưa. Với vai trò đề xuất sửa chữa, bị cáo Lương ra y lệnh khi chưa xin ý kiến trưởng khoa. Vì vậy, bị cáo Lương phải chịu trách nhiệm.

Trong trường hợp bị cáo Lương thực hiện đầy đủ thì hậu quả sẽ không xảy ra, hoặc nếu thực hiện đầy đủ vẫn xảy ra thì sẽ được xem xét giảm tội. VKS cho rằng, qua xét hỏi có dấu hiệu hợp lý hóa tài liệu việc phân công nhiệm vụ cho bị cáo Lương, cần tiếp tục đấu tranh làm rõ. Tiếp đến, VKS đề nghị làm rõ 2 công văn trả lời của Bộ Y tế, việc này ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xét xử. Với những luận điểm trên, VKS đề nghị HĐXX trả hồ sơ vụ án để làm rõ sự thật khách quan.