Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
Ngay trong sáng 8/1, số đông công nhân lao động Công ty TNHH PouChen Việt Nam (đóng tại phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vẫn tụ tập, ngồi trước công ty và không chịu vào nhà máy làm việc. Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trong 2 ngày nay cơ quan chức năng và lãnh đạo công ty liên tiếp có những cuộc họp với công nhân nhằm thương lượng giải quyết khó khăn, tuy nhiên sự việc vẫn chưa có kết quả.
Theo một cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, liên quan đến chính sách của tập đoàn PouChen có đến 150.000 lao động ở nhiều nhà máy, nên khi một sự thay đổi nào đó trong chính sách của tập đoàn là rất khó khăn.
Chiều 8/1/2021, bà Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hiện vấn đề này chúng tôi đang nỗ lực giải quyết, vì vậy khi nào có kết quả chúng tôi sẽ thông tin lại sau.”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết, hiện lực lượng chức năng đang thương lượng với Ban giám đốc Công ty Pouchen nâng mức thưởng Tết cho người lao động bằng với năm ngoái.
Công nhân Phan Ngọc Thúy Diễm (Công ty PouChen) cho hay: “Thưởng Tết thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với công nhân. Chúng tôi rất chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhưng thực tế nhiều lao động xa quê lại khó khăn hơn và chỉ trông chờ vào lương thì khó có thể trang trải các chi phí phát sinh trong thời gian nghỉ dịch hoặc về quê thăm con dịp Tết. Chúng tôi mong công ty xem công nhân như gia đình, chăm lo chu đáo để công nhân có một cái Tết ý nghĩa, trọn vẹn hơn”.
Như thông tin báo Kinh tế & Đô thị phản ánh, khoảng 12 giờ trưa 7/1/2022, hàng trăm công nhân Công ty TNHH PouChen Việt Nam đã đình công, kéo nhau ra đứng tràn cầu vượt đi bộ băng qua Quốc lộ 1K, đồng thời đám đông đứng chặn ngang Quốc lộ 1K khiến cho phương tiện lưu thông đều dừng lại.
Công nhân Công ty TNHH PouChen Việt Nam đình công vì cho rằng, mức thưởng Tết không tương xứng với công sức lao động. Sau đó, lực lượng chức năng yêu cầu công nhân trở về công ty để được giải quyết sự việc. Đến 13 giờ cùng ngày, đám đông công nhân giải tán trở về công ty.
Hai bên cần biết chia sẻ cùng nhau
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai diễn ra cuối tháng 12/2021, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp Công đoàn phải phát huy vai trò cầu nối của mình, am hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp để đề xuất mức thưởng Tết phù hợp, hài hòa, giúp người lao động an tâm, chia sẻ, gắn bó với doanh nghiệp, không để xảy ra mâu thuẫn, bức xúc, đình công trong doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, năm nay cả doanh nghiệp và người lao động đều khó khăn khi trải qua đại dịch Covid-19. Do có thời gian giãn cách xã hội nên nếu thưởng Tết vẫn tính trọn vẹn năm sẽ là thách thức lớn của doanh nghiệp, nhưng nếu thưởng ít hơn lại khó khăn với người lao động.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và xã hội và tổ chức Công đoàn khuyến khích các doanh nghiệp cố gắng chăm lo an sinh cho người lao động. Ngược lại, các đơn vị tăng cường vận động công nhân chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nếu tình hình thực tế khó khăn.
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, tình hình dịch Covid-19 đã kéo dài 5 - 6 tháng nay, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tạm ngừng sản xuất và gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời đời sống công nhân lao động cũng khó khăn không kém. Chính vì vậy, hai bên doanh nghiệp và người lao động cần biết chia sẻ cùng nhau nỗi khó khăn này.
“Thời gian qua chính quyền và doanh nghiệp cũng đã chung tay hỗ trợ rất nhiều cho người lao động. Lúc này người lao động cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp để họ có điều kiện vượt qua giai đoàn này, tiếp tục phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều công việc làm cho xã hội. Nếu người lao động đòi hỏi quá thì doanh nghiệp không thể đáp ứng hết được. Mọi người cần lan tỏa tinh thần chia sẻ khó khăn này với doanh nghiệp” - ông Nguyễn Hữu Nguyên nói.
Ở một góc nhìn khác, công nhân Lê Thanh Tùng (Công ty PouChen) cho biết: “Chủ doanh nghiệp người ta cũng không muốn giảm mức thưởng Tết đâu, chẳng qua doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tôi thấy hiện nay nhiều doanh nghiệp phải trả lãi xuất vay ngân hàng để trả lương cho công nhân. Hãy đặt vị trí của mình vào chủ doanh nghiệp sẽ hiểu sự khó khăn này. Có những công ty lớn tại Đồng Nai năm nay cũng quyết định mức thưởng chưa quá 1,5 lần lương. Vì vậy tôi nghĩ công nhân cần biết chia sẽ khỏ khăn với công ty ngay trong hoàn cảnh này”.
Nữ công nhân Ngô Thị Huyền Thư (Công ty PouChen) nói: “Khi nghe thông báo mức thưởng bị giảm xuống, trong khi khối lượng công việc thời gian qua công ty dồn ép công nhân làm rất nhiều, giảm người làm nhưng tăng sản lượng, vì vậy nhiều công nhân không hài lòng. Họ mong rằng mức thưởng Tết ít nhất phải bằng năm trước. Tuy nhiên, khi xem xét thấu đáo thì tôi không phải đòi hỏi quá nhiều mà cũng phải chia sẻ phần nào khó khăn với công ty”.