Điều này không chỉ “đẩy” các đơn vị này vào nguy cơ mất tài sản; mà đáng lo hơn, tính mạng của nhân viên bảo vệ cũng bị đe dọa.
Chó, chuông… đều vô tác dụng Tìm hiểu những chi tiết trong vụ trọng án tại trụ sở Agribank Bình Đà đêm 11, rạng sáng 12-11, chúng tôi lý giải được phần nào sơ hở cũng như nguyên nhân dẫn đến sự… chủ quan của chi nhánh ngân hàng này. Đó là ngôi nhà 2 tầng nằm gần khu dân cư. Mặt tiền của ngân hàng nằm ngay Quốc lộ 21B, nghĩa là về lý thuyết, mọi di biến động bất thường, mọi sự đột nhập qua cửa chính đều có thể bị phát hiện. Trông coi trụ sở ngân hàng có tổ bảo vệ 2 người, làm việc 24/24h (có điều, mỗi ca trực chỉ 1 người). Ngoài nhân viên bảo vệ, ngân hàng này còn nuôi chú chó khá to, lại có hệ thống chuông báo động nội bộ. Một chi tiết có lẽ khiến ngân hàng chủ quan, là trong lớp cửa cuốn bằng điện luôn được đóng kín sau mỗi ngày làm việc, chỉ có các két sắt rỗng. Toàn bộ tiền sau mỗi ngày giao dịch đều được chuyển về nơi an toàn. Thế nhưng, những biện pháp “phòng ngừa” này của phía ngân hàng đã không hề có chút tác dụng nào. Diễn biến vụ án cho thấy, để thực hiện được vụ đột nhập, sát hại nhân viên bảo vệ rồi “khò” thủng cửa cuốn điện của ngân hàng, kẻ gian đã có sự tính toán, nghiên cứu địa hình rất kỹ. Sau ngân hàng là khu vườn rộng, khá um tùm, và kẻ thủ ác đã đột nhập theo lối này mà không cần qua cửa chính. Sự chủ quan của phía ngân hàng có lẽ đã phần nào khiến nhân viên bảo vệ ca trực đêm 11-11 mất cảnh giác. Chú chó bị đánh thuốc mê, rồi kẻ ác đột nhập phòng bảo vệ, ra tay sát hại nhân viên bảo vệ mà hầu như không gặp phải sự phản kháng đáng kể. Hệ thống chuông báo động của ngân hàng hoạt động thế nào? Câu hỏi này ắt nhiều người đặt ra. Xin thưa, suốt quá trình kẻ thủ ác đột nhập ngân hàng rồi dùng đèn khò để phá cửa cuốn điện, đã không có một tiếng chuông báo động nào vang lên. Ngay cả chiếc camera mà CQĐT thu giữ của ngân hàng cho thấy chất lượng của nó quá kém. Một nguồn tin cho biết, không chỉ “khò” được cửa cuốn, kẻ ác còn phá được két sắt bên trong ngân hàng. Đối tượng còn định phá nốt cửa kho két, tuy nhiên có lẽ do bị động hoặc do hết khí gas mà đối tượng phải dừng lại. Trước khi bỏ đi, đối tượng “đành” lấy chiếc xe máy của nhân viên bảo vệ. “Siết” lại công tác an ninh
1 tháng trước, tại Agribank chi nhánh huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã xảy ra vụ đột nhập, phá cây ATM lấy đi khoảng 1,4 tỷ đồng với thủ đoạn manh động tương tự. Một nhóm 4, 5 đối tượng, tên nhiều tuổi nhất sinh năm 1986, đã phát hiện sơ hở của chi nhánh ngân hàng này và lên kế hoạch gây án. Rạng sáng 7-10, nhóm cướp đột nhập trụ sở ngân hàng. Thời điểm này đang có 2 nhân viên bảo vệ, nhưng chỉ có 1 người trực ở cổng chính, còn người kia trông coi phía sau. Vào được khuôn viên ngân hàng, việc đầu tiên, nhóm cướp cắt đứt dây còi báo động và khống chế nhân viên bảo vệ trực ở cổng chính. Cây ATM bên trong đựng 5 khay tiền có tổng cộng hơn 1,3 tỷ đồng bị nhóm cướp khoắng sạch. Trước khi bỏ đi, nhóm cướp còn lấy của nhân viên bảo vệ 2,6 triệu đồng và chiếc điện thoại di động. Sự việc diễn ra trong khoảng nửa giờ đồng hồ nhưng người bảo vệ ở phía sau… hoàn toàn không biết gì, cho đến khi đồng nghiệp của anh này tự cởi được dây trói, hô hoán. Đáng chú ý, lời khai của các đối tượng cho thấy trước hôm gây án, chúng đã đột nhập được khuôn viên ngân hàng này thì bị nhân viên bảo vệ phát hiện nên phải bỏ chạy. Cướp, trộm cắp hay các hành vi phạm tội nhắm vào ngân hàng đều là thuộc dạng manh động, liều lĩnh, chủ tâm gây án - phạm tội đến cùng. So với nhiều “chủ thể” khác như nhà dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, thì ngân hàng, quỹ tín dụng hay các cơ sở kinh doanh vàng bạc có sự phòng ngừa hơn. Nhưng ở nhiều địa bàn, ở nhiều cơ sở, công tác phòng ngừa chưa thực sự “phòng” được kẻ gian, nhất là khi chúng đã “đầu tư” thời gian để nắm bắt quy luật hoạt động và tìm hiểu sơ hở của “con mồi”. Phòng ngừa tội phạm cướp, trộm cắp ở tiệm vàng, ngân hàng luôn được lực lượng công an xác định là công tác trọng tâm, không chỉ trong công tác nghiệp vụ, mà cả đối với việc tuyên truyền nhận thức, ý thức cho các cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đã và đang có những sơ hở chết người - do chính ý thức chủ quan - ở nhiều cơ sở kinh doanh nhạy cảm này. Không đầu tư, trang bị thiết bị giám sát an ninh hữu hiệu; không có sự kết nối phòng ngừa, xử lý khi tình huống xảy ra đối với các hộ dân xung quanh hay chính quyền cơ sở; không tuyển dụng, đào tạo hay tăng số lượng nhân viên bảo vệ. Hậu quả của sự thiếu ý thức này là tài sản của họ có nguy cơ bị mất. Tính mạng nhân viên bảo vệ bị đe dọa, và lớn hơn, đó là những bất an đối với cộng đồng.