70 năm giải phóng Thủ đô

Vụ gian lận điểm thi tại Sơn La: Các nhân chứng đồng loạt phủ nhận việc nhờ nâng điểm

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1710, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Sơn La bước sang ngày làm việc thứ 3 với việc xét hỏi hàng loạt nhân chứng trong vụ án. Tại tòa, đồng loạt các nhân chứng đều khai nhận chỉ nhờ các bị cáo trong vụ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm.

 Các bị cáo tại phiên toà.
Theo đó, hầu hết các nhân chứng bị triệu tới phiên tòa được xác định là đã chuyển thông tin thí sinh cho nhóm 8 bị cáo trong vụ nâng điểm thi THPT Quốc gia năm 2018. Tuy nhiên, đa số những người này đều khẳng định chỉ nhờ xem điểm trước và không biết việc con em mình được nâng điểm.
Cụ thể, nhân chứng Lê Văn Thời – Giám đốc một DN tại Sơn La cho biết, đã nhờ ông Hoàng Tiến Đức - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La xem điểm giúp một người không quen là khách của nhà hàng mình. Theo đó, ông Thời có mang mảnh giấy có số báo danh đưa cho anh ông Hoàng Tiến Đức nhờ xem giúp. Tuy nhiên, theo tài liệu vụ án thể hiện, ông Thời đã chuyển thông tin thí sinh Nguyễn Hà Phong cho ông Hoàng Tiếng Đức. Thí sinh Phong sau đó được nâng điểm 3 môn Toán, Văn, Lịch sử lên 27 điểm.
Tương tự, ông Phan Ngọc Sơn cho biết, bản thân là cấp dưới của bị cáo Trần Xuân Yến – nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La. Ông Sơn có con tham gia thi và đã nhắn thông tin của con mình cho bị cáo Yến nhờ xem điểm trước nhưng kết quả thí sinh này được nâng điểm. Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc ông Sơn là người trong ngành giáo dục và biết rõ điểm số sẽ được công bố lên mạng tại sao cần biết điểm trước? Ông Sơn cho biết, do có con dự thi nên rất mong muốn biết kết quả và khi nhờ tôi cũng không biết sẽ vi phạm. Sau khi chấm thẩm định có thông tin con được nâng 7,45 điểm nên đã tự nghỉ học.
 Ông Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng Phòng Giáo dục THPT, Sở GD&ĐT Sơn La
Trong khi đó, khai báo trước tòa, ông Lê Trọng Bình – Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La trình bày, bản thân có quen biết ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng phòng THPT Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La và Nguyễn Minh Khoa – Phó phòng PA03 Công an Sơn La. Vì vậy, ông Bình đã nhờ Nguyễn Minh Khoa xem điểm trước cho con và cũng nhờ Nguyễn Ngọc Hà xem điểm vì muốn biết trước kết quả. Còn bà Chu Thị Mai Hương cho biết, bố mẹ nhận bà Dương Thị Đạt làm con nuôi. Bà Đạt là đồng nghiệp trong ngành giáo dục của ông Nguyễn Ngọc Hà. Bà Hương đã nhờ bà Đạt tác động để ông Hà xem điểm trước cho một thí sinh thuê trọ tại nhà mình. Bà Hương sau đó chỉ biết thí sinh này được 26 điểm và không biết điểm chấm thẩm định là bao nhiêu.
Ở một diễn biến khác, quá trình xét xử vụ án, một số bị cáo khai đã nhận hàng trăm triệu đồng trên mỗi trường hợp được nâng điểm. Tại toà chỉ có 1 nhân chứng thừa nhận có đưa tiền còn hầu hết đều khẳng định chỉ nhờ xem điểm trước chứ không nhờ nâng điểm, không đưa tiền.Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ án, tất cả các thí sinh có người nhà nhờ xem điểm đều được nâng điểm và sau khi chấm thẩm định những bài thi này đều bị hạ điểm.
Đến tòa với tư cách người liên quan, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, có đưa thông tin của 4 thí sinh để nhờ bị cáo Trần Xuân Yến xem trước kết quả bài thi. Trong đó, có con gái của ông Hà và một thí sinh là bạn thân của con gái, 2 thí sinh còn lại ông Hà đều được người nhà nhờ. Theo ông Hà, thông tin ông đưa cho bị cáo Yến gồm họ tên, số báo danh, phòng thi, môn thi, tổng điểm dự kiến của các thí sinh. Tuy nhiên, HĐXX thông báo, khi trả lời CQĐT, con gái của ông Hà cho rằng chưa bao giờ tự chấm điểm thi cho mình.
Liên quan đến ông Nguyễn Minh Khoa, HĐXX thông báo hiện ông Khoa đang đi khỏi nơi cư trú nên vắng mặt tại phiên xét xử. Ông Nguyễn Minh Khoa được Tòa triệu tập với tư cách là nhân chứng trong vụ án này.