Vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018: Cần truy cứu trách nhiệm của phụ huynh

Hồng Thái - Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan tới vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia xảy ra ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang…, theo các chuyên gia, cần làm rõ trách nhiệm của những phụ huynh học sinh hoặc người đã tác động đến những người có thẩm quyền để sửa điểm thi.

Điều tra để xem động cơ sửa điểm
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Hoàng Văn Hướng – Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Hà Nội) cho hay, trong vụ gian lận điểm thi, đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều bị can về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" hoặc "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Đây là những người trực tiếp thực hiện việc sửa và nâng điểm cho hàng chục thí sinh. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc chỉ khởi tố những người này mà chưa khởi tố những người hưởng lợi hoặc đưa ra yêu cầu sửa điểm là chưa thỏa đáng. Do đó, cần phải điều tra triệt để xem động cơ của những người sửa điểm là gì, từ đó có thể xác định được thêm những đồng phạm khác của họ.
 Cơ quan điều tra công bố lệnh khởi tố với các bị can liên quan tới vụ gian lận điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Sơn La.
Đồng tình quan điểm này, luật sư Nguyễn Hồng Quang (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố những người trực tiếp thực hiện việc sửa và nâng điểm cho thí sinh mà chưa khởi tố những người hưởng lợi, phụ huynh học sinh, người đưa ra yêu cầu sửa điểm là chưa thỏa đáng.
Trong trường hợp chứng minh được phụ huynh dùng tiền để mua chuộc người làm nhiệm vụ chấm thi sửa chữa đáp án, thêm vào bài làm của thí sinh, nâng điểm cho thí sinh, thì những cá nhân liên quan có dấu hiệu của tội đưa hối lộ, quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với người đưa hối lộ, tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử lý ở các khung hình phạt khác nhau, cao nhất là 20 năm tù giam.
Các luật sư nêu dẫn chứng, không đơn thuần mà thí sinh làm bài thi chỉ 0 – 1 điểm lại có thể nâng lên 8 – 9 điểm. Cụ thể, trường hợp thí sinh N.A.T. là con một gia đình buôn bán lớn tại TP Sơn La. Em này có điểm thi THPT quốc gia 2018 3 môn Toán, Vật lý, ngoại ngữ lần lượt là 0 - 0,25 - 0,2 nhưng được sửa điểm thành 9 - 9 - 9, tức là 3 môn này đã được sửa nâng lên tới 26,55 điểm.
Trường hợp được nâng điểm nhiều thứ hai là thí sinh N.T.H., có phụ huynh công tác trong ngành công an ở Sơn La. Điểm thi 3 môn Toán, Vật lý, ngoại ngữ của thí sinh này trong kỳ thi THPT quốc gia lần lượt là 9,4 - 9,5 - 9,2. Nhưng khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định, kết quả điểm thực của em lần lượt là 2,6 - 2,75 - 5. Như vậy, thí sinh này đã được sửa nâng điểm tổng cộng gần 18 điểm.
Ngoài ra, các luật sư cũng nêu quan điểm, có thể các thí sinh được nâng điểm là nạn nhân, nhưng các em đã 18 tuổi, đủ tuổi trưởng thành và nhận thức được những lợi ích mình nhận được mà không thuộc về mình. Các thí sinh biết lực học của mình thấp nhưng được điểm cao và vẫn vô tư đi học là không trung thực. Có thể không đưa ra hình phạt với các thí sinh này nhưng cần phải công khai danh tính để mang lại công bằng cho xã hội. Cũng vì những thí sinh được gian lận sửa điểm, nhiều thí sinh khác đã mất đi cơ hội vào đại học.
Quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương
Sau những gian lận điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều ý kiến đề nghị phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cùng với giám sát của xã hội để kỳ thi năm nay diễn ra an toàn, khách quan, nghiêm túc.
Với những gian lận thi cử xảy ra tại Hòa Bình, Sơn La ở Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chỉ ra 3 lỗ hổng dẫn đến tiêu cực. Thứ nhất, Bộ GD&ĐT đã quá tin tưởng và nể nang nhau nên đã giao việc tổ chức thi, chấm thi cho các địa phương. Thứ hai, khi thi trắc nghiệm, giám thị đã hướng dẫn cho thí sinh cách tô vào đáp án nhưng lại còn soát lại; quá trình thực hiện này họ có thể biến hóa, chỉnh sửa đáp án. Thứ ba, bài thi trắc nghiệm không rọc phách dẫn đến sửa đáp án chỉ trong 6 giây. Ủng hộ kỳ thi THPT quốc gia 2019, PGS Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh, trường đại học (ĐH), địa phương và cộng đồng đều chịu trách nhiệm.
Khi bài thi đã được chuyển về kho ở trường ĐH, cao đẳng (CĐ) thì công an địa phương có trách nhiệm bảo quản; cán bộ ĐH được hướng dẫn cách đánh phách bằng dùng ký hiệu, đến giờ G thì chuyển bài đến cụm chấm thi.
Từ những tiêu cực trong kỳ thi năm 2018, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu khâu tổ chức thi và chấm thi xảy ra vấn đề. Bởi, Bộ GD&ĐT không thể với tay được xuống tận địa phương. Bộ GD&ĐT cần quy hẳn trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương để họ nắm được hệ thống chính trị phía dưới, từ đó huy động nhân lực tổ chức tốt kỳ thi.
Đồng thời cần phải mở ra giám sát xã hội, cụ thể việc coi thi, lưu trữ bài thi, chấm thi đều phải đặt camera giám sát. Ông Khuyến không đồng tình với Bộ GD&ĐT bỏ qua việc lắp camera trong các phòng thi vì chưa có điều kiện.“Các địa phương có thể đi thuê camera về lắp tại phòng thi trong vài ngày diễn ra kỳ thi. Chắc chắn, việc thuê camera sẽ thấp hơn nhiều so với chi trả cho giảng viên các trường ĐH đến địa phương trông thi, giám sát. Vì thế, Bộ GD&ĐT nên xem xét thực hiện hai điều chỉnh này sẽ khắc phục được tiêu cực thi cử” - ông Khuyến nhấn mạnh.
Những ngày này, khi các thí sinh gian lận điểm thi tại Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đang bị một số trường ĐH hủy kết quả trúng tuyển thì dư luận xã hội lại hết sức băn khoăn và quan tâm đến kỳ thi THPT Quốc gia 2019.
Thông tin về kỳ thi năm nay, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh cho biết sẽ có một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập. Cán bộ giảng viên các trường ĐH, CĐ sẽ được điều động đến các tỉnh để tổ chức thi. Các thí sinh tự do được bố trí dự thi chung với thí sinh học chương trình THPT. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi có lực lượng công an và bảo vệ 24/24 giờ.

"Vụ việc gian lận điểm thi diễn ra ở nhiều tỉnh thành, mức độ rất nghiêm trọng, bởi vậy để khách quan, nên để Bộ Công an trực tiếp điều tra chứ không để công an các tỉnh thực hiện điều tra." - Luật sư Hoàng Văn Hướng – Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng


"Năm nay, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH, CĐ chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm cũng được sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng. Phần mềm này đảm bảo phòng chống, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào kỳ thi."- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh