Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ hãng taxi Vinasun kiện Grab: Grab đề nghị dừng tòa để… hoà giải

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 lần TAND TP Hồ Chí Minh xử vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” do nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab), sáng 30/11, HĐXX cho dừng phiên tòa 1 tháng vì phát sinh tình tiết mới, bị đơn Grab đề nghị Vinasun hòa giải.

Tài xế hãng taxi Vinasun đến dự phiên toà để nghe tình hình.
Ngày 30/11, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra xử vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” do nguyên đơn Vinasun kiện Grab. Tại tòa, phía Grab đề nghị có thêm thời gian để thương lượng với Vinasun. Vì vậy, HĐXX ra quyết định tạm dừng phiên tòa trong thời gian không quá 1 tháng.
Tại tòa, phía Grab cho rằng vụ kiện đã kéo dài, khiến cả nguyên đơn lẫn bị đơn mệt mỏi nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết. Vì vậy, Grab mong muốn hòa giải, thỏa thuận với Vinasun.
Thẩm phán Lê Công Toại - Chủ tọa phiên tòa cho biết, trước đó đã cho 2 phía hòa giải nhưng không thành và phải xét xử. Trước yêu cầu của bị đơn Grab và nguyên đơn Vinasun cũng đồng ý hòa giải nên HĐXX ghi nhận.
Luật sư Lưu Tiến Dũng (bảo vệ cho Grab) cho biết: “Vụ kiện này quá mệt mỏi với mọi người. Vì vậy, giải pháp có thể chấm dứt sớm vụ kiện để giảm thiểu chi phí, tập trung nguồn lực của mình để không những hợp tác với Vinasun mà còn với những đối tác khác nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh tốt hơn. Sự kiện 2 đơn vị hòa giải ở Việt Nam là mới mẻ, nhưng ở những nước khác là bình thường”.
Tại tòa, đại diện Vinasun vẫn nêu quan điểm việc kiện Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhằm mục đích xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Chính vi phạm của Grab xuyên suốt trong quá trình tham gia kinh doanh taxi tại Việt Nam, đã gây nhiều hệ lụy, gây thiệt hại không chỉ cho các DN vận tải taxi mà còn tác động xấu đến lợi ích xã hội, cộng đồng và ngân sách Nhà nước.
Đại diện theo pháp luật của Grab trình bày tại tòa.
“Qua vụ kiện này, gióng lên cảnh báo về những hành vi lợi dụng sự lơi lỏng của cơ quan quản lý Nhà nước để hoạt động trái pháp luật làm xấu môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh. Vinasun cho rằng bản thân vụ kiện không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, mà chính những vi phạm của Grab mới gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư”, ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc Vinasun, nói.
Cũng theo ông Quý, phía Vinasun sẽ nghiêm túc thực hiện đàm phán với Grab về những vấn đề và nội dung liên quan đến hòa giải. Theo quan điểm của Vinasun, hòa giải phải trên tinh thần thiện chí và đúng quy định pháp luật, không vì mục đích lợi nhuận mà vì lợi ích cộng đồng, vì môi trường kinh doanh.
Luật sư Nguyễn Hải Vân (bảo vệ nguyên đơn Vinasun) nói: “Hiệu ứng của phiên tòa này rất lớn. Bởi các bên đều hiểu mục tiêu đòi bồi thường chỉ là một trong các mục tiêu, hiệu ứng đem lại là các cơ quan quản lý về GTVT, quản lý về đầu tư nước ngoài phải xem xét lại chính sách quản lý của mình. Hiện nay, hiệu ứng rõ nhất là việc thất thu thuế của Nhà nước rất lớn. Như vậy, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT phải xem lại cách quản lý, phương thức quản lý để vừa tạo được sự phát triển kinh tế; đồng thời phải thu được thuế cho ngân sách Nhà Nước, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng”.
Còn ông Jerry Lim (đại diện theo pháp luật của Grab) nói: “Chúng tôi hài lòng với kết quả phiên tòa hôm nay. Một kết quả tích cực dành cho tất cả mọi người, khi cả Grab và Vinasun đều cân nhắc hướng tới thỏa thuận ôn hòa để giải quyết vụ kiện. HĐXX đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hành phiên tòa để có kết quả hôm nay”.
Hiện các Hiệp hội taxi TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, các lái xe taxi rất quan tâm theo dõi vụ kiện này nên phán quyết của Tòa có tác động quan trọng để môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, đem lại sự cạnh tranh công bằng cho các loại hình kinh doanh vận tải taxi.