Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ học sinh 6 tuổi trường Gateway tử vong: Hồi chuông cảnh tỉnh về sự tắc trách

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô từ sáng đến cuối giờ chiều mới được phát hiện khiến em thiệt mạng đã làm rúng động cả xã hội.

Dù những người liên quan sẽ bị khởi tố nhưng vấn đề được đặt ra là sự vô trách nhiệm, vô cảm của giáo viên, lãnh đạo Trường quốc tế Gateway về đảm bảo an toàn cho trẻ.
Mang danh quốc tế nhưng thiếu an toàn
Sự việc bé L.H.L. (6 tuổi) tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô từ đầu giờ sáng đến cuối giờ chiều (10 tiếng) khiến dư luận rúng động và hết sức bàng hoàng. Mọi người càng không thể ngờ. Từ thông tin và hình ảnh xem trên clip cũng như tường trình từ phía nhà trường, nhiều chuyên gia, phụ huynh cũng như dư luận xã hội cho rằng sự vô cảm, vô trách nhiệm và dối trá đã bao trùm lên ngôi trường Gateway.
 Xe đưa đón học sinh Trường quốc tế Gateway chiều 7/8. Ảnh: Phạm Hùng
Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về sự vô cảm, vô trách nhiệm của những người làm giáo dục. Là một chuyên gia có nhiều năm làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bác sĩ Nguyễn Trọng An bức xúc cho hay: “Tôi rất bất bình với việc xử lý của nhà trường từ lãnh đạo, đến giáo viên, lái xe đã không có trách nhiệm với học sinh. Sau sự việc lại quanh co, dối trá”.

Ngày 7/8, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, không để tái diễn sự việc tương tự; hướng dẫn, quy định cụ thể dịch vụ đưa đón học sinh, bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối cho các cháu...

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngay khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm từng cá nhân, sớm báo cáo Chủ tịch UBND TP.

Rất nhiều vấn đề đã được dư luận đặt ra đối lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, nhân viên đưa - đón học sinh cho tới lái xe. Nhất là quy trình đưa – đón học sinh từ nhà đến trường. Bình thường, khi học sinh lên xe ô tô, nhân viên đưa đón phải điểm danh, đánh dấu. Khi học sinh xuống xe, nhân viên cũng phải kiểm đếm từng bé rồi dẫn vào trường.
Lái xe cũng phải kiểm tra lại xe trước khi điều khiển về bãi tập kết. Nhiều bạn đọc khẳng định, cả nhân viên và lái xe đều bỏ qua việc này dẫn tới không phát hiện ra bé L.H.L. bị bỏ quên trên xe.
Thứ nữa, theo biên bản tường trình của Trường quốc tế Gateway, giáo viên chủ nhiệm khi thấy học sinh vắng mặt đã báo lên hệ thống quản trị của nhà trường, nhưng mãi đến 16 giờ cùng ngày, phụ huynh mới nhận được thông báo ngày hôm đó con không đến trường. Điều này thể hiện sự tắc trách của đội ngũ lãnh đạo nhà trường.
Nhiều người cũng đặt vấn đề ngôi trường mang danh quốc tế, học phí lên tới 117 triệu đồng/năm nhưng không có hệ thống an ninh để cho phụ huynh giám sát; giáo viên chủ nhiệm không có số điện thoại của phụ huynh để liên lạc khi cần. Càng không thể tin với giải thích của nhà trường khi phát hiện bé L trên xe ô tô mạch vẫn chạy và tim vẫn đập. Nhưng, khi xem clip, mọi người đều thấy bé L đã cứng lại…
Dạy con cách bảo vệ khẩn cấp
Ngay khi sự việc bé L bị tử vong vì sự tắc trách vô cảm của người lớn, không ít phụ huynh có con đi học theo hình thức đưa đón đã nghĩ đến cách chở xe máy đưa đón con hàng ngày. Lại cũng có những ý kiến phụ huynh chia sẻ về bài học dạy con cách tự cứu mình khi đi trên xe ô tô. “Trong trường hợp con bị kẹt trên xe, phải mở cửa kính bên hông xe để không ngạt thở. Nếu cửa nặng, không thể mở thì ngay lập tức bấm còi xe liên tục; bấm nút đèn khẩn cấp” – phụ huynh Nam Anh (quận Đống Đa) chia sẻ.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Văn Công- Giám đốc Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing - nhấn mạnh đến việc phụ huynh hướng dẫn cho con kỹ năng thoát hiểm khi đi ô tô. Việc phụ huynh theo dõi bằng camera khi con đến trường chỉ là một kênh giám sát. “Triệt để nhất vẫn là dạy cho con biết cái còi và đèn báo động trên ô tô, trong trường hợp con bị nhốt thì vẫn có thể gọi được người đến cứu”- bác sĩ Nguyễn Văn Công chia sẻ.
Từ sự sự việc xảy ra đối với bé L., PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, trường Đại học Giáo dục đặt vấn đề về quy trình và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ở cấp tiểu học. Khi các em học sinh còn nhỏ tuổi chưa tự chủ cũng như ý thức bảo vệ bản thân, quy trình đưa đón các cháu càng phải chặt chẽ và đảm bảo an toàn.
“Ở nước ngoài, khi học sinh lên xe thì giáo viên điểm danh từng em; học sinh xuống xe vào trường, giáo viên cũng phải kiểm đếm, tài xế dọn xe và kiểm tra xem có ai quên gì. Số lượng các em lên và xuống xe bao giờ cũng phải khớp.” – ông Thành Nam cho hay.

Trưa ngày 7/8, UBND quận Cầu Giấy tổ chức họp báo để thông tin chính thức. Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã trưng cầu Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân khiến cháu L.H.L. tử vong. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã bàn giao thi thể cháu L cho gia đình đưa về quê tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa để tổ chức mai táng. Cùng ngày 7/8, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy ra Quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người, theo điều 128-BLHS.


Ngày 7/8, Bộ GD&ĐT đã có công văn trong đó yêu cầu Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo ngay việc thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình học sinh bị tử vong. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hà Nội tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn các trường học trên địa bàn, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần đối với giáo viên và học sinh; có báo cáo bằng văn bản về Bộ trước ngày 9/8/2019.