Nhà báo Phạm Phú Bằng (thứ tư từ phải sang) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa tại Mường Phăng năm 2011. Ảnh: Tiến Đạt
Việc quyết định cho ra đời Báo Quân đội nhân dân ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ là một quyết định độc đáo, sáng tạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và Tổng cục Chính trị lúc bấy giờ, nhằm phục vụ đắc lực nhất cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, trong việc chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch Điện Biên Phủ có việc chuẩn bị công tác tư tưởng, chăm lo đời sống tinh thần cho bộ đội, công tác chính trị, giáo dục chính trị, công tác Đảng, công tác tư tưởng cho đến từng người lính tham gia chiến dịch cho đến tất cả lực lượng tham gia chiến dịch như: dân công, lực lượng địa phương, các lực lượng phối thuộc.
Ý nghĩa quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ đã dẫn đến việc ra đời "Tòa soạn tiền phương" của tờ báo.
Báo chí của chúng ta lúc bấy giờ còn rất thô sơ, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, không có giấy, không có mực in, tất cả phương tiện in ấn phát hành đều rất thô sơ, thế nhưng Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã sớm nghĩ đến vai trò của tờ báo tại mặt trận Điện Biên Phủ. Nếu lúc bấy giờ chỉ xuất bản tờ báo ở hậu phương (đóng ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên) rồi chuyển lên mặt trận thì chắc là không kịp, cho nên cấp trên quyết định tổ chức một "tòa soạn tiền phương" để vừa thu thập tin tức, biên tập, tổ chức in ấn rồi phát hành ngay tại mặt trận để đưa tờ báo đến với bộ đội nhanh nhất.
Một nhà in tiền phương với máy móc được giấu dưới hầm cũng gấp rút bảo đảm việc in ấn. Lán của tòa soạn và nhà in đặt tại khu vực Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, chỉ cách hầm của Tổng Tư lệnh và Chủ nhiệm Chính trị mặt trận một cánh đồng. Điều đó giúp Báo Quân đội nhân dân kịp thời nắm chắc diễn biến tình hình, định hướng tốt trong tuyên truyền.
Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ 1953-1954 gồm 5 người là các ông Hoàng Xuân Tùy, phụ trách chung tờ báo; Trần Cư, phụ trách thư ký tòa soạn; Phạm Phú Bằng, phóng viên; Nguyễn Khắc Tiếp, phóng viên và Nguyễn Bích, họa sĩ trình bày báo. 5 cán bộ, phóng viên, họa sĩ này đã tham gia xuất bản từ số báo đầu tiên đến số báo cuối cùng tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Ngày 28/12/1953, số đầu tiên của Báo Quân đội nhân dân tiền phương xuất bản. Tin tức, bài viết, gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ, kinh nghiệm đào hầm, tổ chức hậu cần, các phóng sự điều tra về tình hình sức khỏe bộ đội, vấn đề hậu phương người lính trong cải cách ruộng đất, vấn đề giải quyết tư tưởng sau mỗi trận đánh, những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, chỉ thị của cấp trên, cùng thơ ca, hò vè, thơ đả kích địch... đã làm cho tờ báo dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội và nó đã góp phần đắc lực vào công tác chính trị chiến dịch. Số 148 ra ngày 16/5/1954, số báo Quân đội nhân dân cuối tại mặt trận là số báo đặc biệt chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tờ báo hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử. Tính đến ngày đó, Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận Điện Biên ra được tổng cộng 33 số.
Đại tá Lê Kim, cộng tác viên tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ kể lại, lúc bấy giờ đời sống tinh thần của bộ đội ta còn nghèo nên tất cả trông chờ vào tờ báo này. Do nội dung tờ báo cũng rất phong phú, cả có tình hình quốc tế, có cả thơ trữ tình, thơ vui, thơ châm biếm... nên được anh em rất thích.
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tại mặt trận Điện Biên Phủ là Phó Chính uỷ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Ông có rất nhiều kỷ niệm xúc động về tờ báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Ông cho biết số báo đầu tiên đến tay ông không phải là số thứ nhất của tờ báo mà là số thứ 10. Sau khi sang Lào chiến đấu trở về Điện Biên Phủ thì số báo đầu tiên ông đọc đã có tin về trận Him Lam, số tiếp theo là trận Độc Lập. Trung tướng Hồng Cư nhớ nhất số báo ghi lại lời của Bác: "Các chú sắp ra trận, Bác hôn các chú, chúc các chú thắng to". Chính tờ báo giúp ông làm tốt công tác chính trị mặt trận, truyền đạt cho ông những chỉ thị của Đại tướng Tổng Tư lệnh đến bộ đội và phản ánh đời sống của bộ đội ở chiến trường...
Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân khẳng định, sự chủ động, sáng tạo trong việc xuất bản Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ 59 năm về trước, để lại cho những người làm báo hôm nay nhiều kinh nghiệm quý báu.
Báo Quân đội nhân dân tiền phương tại mặt trận Điện Biên Phủ là một tờ báo thành công và độc đáo, xứng đáng là “vũ khí đặc biệt” của bộ đội ta, góp phần làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu” 59 năm về trước.