Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Vũ khúc dã quỳ - Chư Đang Ya 2024” giữa đại ngàn hùng vĩ

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra tại khu vực Nhà rông làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, chương trình nghệ thuật “Vũ khúc dã quỳ - Chư Đang Ya năm 2024” hứa hẹn mang đến điểm nhấn ấn tượng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya của tỉnh Gia Lai.

Chương trình nghệ thuật “Vũ khúc dã quỳ - Chư Đang Ya năm 2024” diễn ra vào lúc 20h10 ngày 9/11/2024.
Chương trình nghệ thuật “Vũ khúc dã quỳ - Chư Đang Ya năm 2024” diễn ra vào lúc 20h10 ngày 9/11/2024.

Chương trình diễn ra vào lúc 20h10 ngày 9/11/2024, Truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH Gia Lai, tiếp sóng trực tiếp trên hơn 40 Đài PT-TH trên cả nước, Livestream trên các nền tảng xã hội của Báo Gia Lai, Truyền hình Gia Lai và Truyền hình Hậu Giang, tiếp tục là một dấu ấn mới của Tổng đạo diễn Mai Thanh Tùng và Oscar Media trên hành trình tô điểm và giới thiệu vẻ đẹp quê hương đất nước qua các mùa lễ hội.

Nhan sắc đại ngàn

"Vũ khúc dã quỳ" - chủ đề của Lễ hội Hoa Dã Quỳ 2024 - là lời ngợi ca cho vẻ đẹp kiêu hãnh của loài hoa hoang dã, một biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của cao nguyên. Những cánh hoa vàng rực như những vũ công không mệt mỏi, nhảy múa trong gió, kể câu chuyện về một vùng đất với địa chất độc đáo và bản sắc văn hóa đặc trưng.

Lễ hội năm nay được thiết kế như một bức tranh văn hóa - nghệ thuật đa sắc màu, nơi hội tụ những giá trị truyền thống và hiện đại. Từ những điệu múa cồng chiêng đậm chất Tây Nguyên đến những màn trình diễn ánh sáng, 3D Mapping nghệ thuật hiện đại, tất cả đều hòa quyện trong một không gian nghệ thuật độc đáo.

Chương trình không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên mà còn hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Thông qua các hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và nghệ thuật, du khách sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc của vùng đất bazan màu mỡ, nơi những câu chuyện cổ tích về núi lửa và hoa vàng vẫn được người dân bản địa truyền tai nhau.

Đặc biệt, lễ hội năm nay còn là cầu nối văn hóa giữa các thế hệ. Những người già làng sẽ kể về truyền thuyết núi lửa Chư Đang Ya, trong khi giới trẻ sẽ mang đến những cách thể hiện mới mẻ, hiện đại về vẻ đẹp của quê hương. Đây là nơi quá khứ và hiện tại giao hòa, nơi các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển.

"Vũ khúc dã quỳ - Chư Đang Ya 2024" không chỉ là một lễ hội thông thường, mà là lời khẳng định về bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Tây Nguyên, là lời mời gọi du khách đến với một vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Qua đó, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững của địa phương.

Sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại

Chương trình nghệ thuật "Vũ khúc dã quỳ - Chư Đang Ya 2024" là một mạch kể xuyên suốt với những câu chuyện kết nối từ quá khứ đến hiện tại về loài hoa dã quỳ đặc biệt, chương trình mang đến một sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật truyền thống và các công nghệ hiện đại, tạo nên trải nghiệm đa chiều cho khán giả. Chương trình sẽ áp dụng những tiến bộ công nghệ như ánh sáng LED maxtric, hiệu ứng khói lửa, âm thanh hiện đại và màn hình led rộng để làm nổi bật không gian sân khấu và các tiết mục.

Tổng đạo diễn Mai Thanh Tùng và NSND Lê Chức. 
Tổng đạo diễn Mai Thanh Tùng và NSND Lê Chức. 

Điểm nhấn của chương trình chính là sân khấu chính được bao phủ bởi hệ thống LED Matric tiên tiến, giúp tạo hiệu ứng 3D sống động. Những cánh hoa dã quỳ được mô phỏng qua ánh sáng LED, tạo hiệu ứng mềm mại và lấp lánh khi có gió thổi, làm cho những cánh hoa như đang vươn mình đón nắng. Đặc biệt, công nghệ 3D Mapping, sẽ được sử dụng để trình chiếu hình ảnh hoa dã quỳ và cảnh quan núi rừng Chư Đang Ya.

Âm thanh hiện đại bao trùm không gian lễ hội, mang đến những âm thanh của núi rừng Tây Nguyên, từ tiếng gió, tiếng chim cho đến tiếng cồng chiêng. Hệ thống âm thanh surround hiện đại được tích hợp với từng chi tiết của sân khấu để tạo ra trải nghiệm thính giác sống động.

Các tiết mục trong chương trình sẽ là sự kết hợp giữa nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo từ đồng diễn, nhảy hiện đại, với các hình thức nghệ thuật đặc trưng của nơi đây. Các nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp cùng cồng chiêng, với âm hưởng đặc trưng của Tây Nguyên và nhạc cụ hiện đại, mang đến một không gian âm nhạc vừa truyền thống vừa mới mẻ.

Sự kết hợp giữa ánh sáng, âm thanh và nghệ thuật biểu diễn tạo nên một bữa tiệc đa giác quan cho khán giả. Các yếu tố tương tác như màn hình LED lớn không chỉ chiếu cảnh đẹp của Gia Lai mà còn tương tác trực tiếp với các nghệ sĩ, tạo hiệu ứng thay đổi liên tục theo các tiết mục.

Điều này giúp khán giả không chỉ xem mà còn hòa mình vào không gian nghệ thuật sống động, làm tăng tính kết nối giữa người xem và nghệ sĩ. Tất cả các yếu tố này hòa quyện để tạo nên một lễ hội vừa đậm đà bản sắc văn hóa, vừa hiện đại và đầy sáng tạo, hứa hẹn mang đến trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn về một chương trình mang nét văn hoá Gia Lai đầy tự hào.

Những thanh âm của núi rừng

Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương vẽ nên bức tranh toàn cảnh về mảnh đất Gia Lai huyền bí, giàu đẹp, nhiều tiềm năng.

Chương I “Huyền thoại Chư Đang Ya - Trầm tích triệu năm” mở ra câu chuyện huyền thoại về núi lửa Chư Đang Ya, nơi hoa dã quỳ nở rộ trên những triền núi lửa đã ngủ quên hàng triệu năm. Sự mạnh mẽ của thiên nhiên Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, hòa quyện với văn hóa truyền thống qua tiếng cồng chiêng và những vũ điệu đại ngàn, như một lời ca tụng sức sống bất diệt của đất trời và con người vùng cao nguyên.

Chương II “Sức sống đại ngàn” mang đến cho khán giả cái nhìn tổng quan về tiềm năng, giá trị của mảnh đất giàu nội lực này.

Trong đó, phóng sự “Chư Đang Ya - Vùng đất vàng trong sắc hoa dã quỳ” đưa người xem khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Chư Đăng Ya, nơi những đồi hoa dã quỳ nở rộ trong ánh nắng vàng ấm áp. Hình ảnh những cánh đồng hoa trải dài, hòa quyện với những đỉnh núi xanh thẳm tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Qua đó, phóng sự còn khắc họa cuộc sống bình dị nhưng đầy sức sống của người dân nơi đây, với những nét văn hóa độc đáo và truyền thống được gìn giữ. Những câu chuyện từ người dân, cùng cảnh sắc thiên nhiên, sẽ khiến khán giả cảm nhận sâu sắc tình yêu quê hương và niềm tự hào về vùng đất này, một hành trình thưởng lãm sắc màu thiên nhiên và sự kết nối giữa con người và đất trời Tây Nguyên. Sự hiếu khách, chào đón, gọi mời du khách khắp nơi về với vùng đất đặc biệt này.

Tiết mục “Sức sống đại ngàn” tái hiện vẻ đẹp kỳ thú của vùng đất Chư Đang Ya, nơi dấu tích núi lửa đã tắt tạo nên một cảnh quan đặc biệt. Đứng từ trên cao nhìn xuống, núi lửa Chư Đang Ya tựa như một chiếc phễu khổng lồ, bao quanh bởi những nương rẫy trù phú với cà phê, ngô, khoai, bí đỏ, và dong riềng trải dài khắp lòng chảo, vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với vô vàn mảng màu rực rỡ.

Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, hoa dã quỳ nở rộ, kiêu sa và mạnh mẽ, phủ vàng khắp các sườn đồi và lối đi, biến Chư Đang Ya thành một thảm hoa vàng rực rỡ, làm mê hoặc lòng người. Loài hoa dã quỳ không chỉ đại diện cho sức sống hoang dại của thiên nhiên nơi đây mà còn là biểu tượng của sự bền bỉ, kiên cường của con người Tây Nguyên. Người dân nơi đây, gắn bó với vùng đất và loài hoa dã quỳ, luôn tìm cách vươn lên, vượt qua khó khăn, chăm chỉ lao động để xây dựng cuộc sống ngày một thịnh vượng.

Chương 3 “Vũ khúc dã quỳ” là một sự chuyển mình mạnh mẽ trong giai điệu của các tiết mục nghệ thuật, mang đến một góc nhìn mới, một bữa tiệc văn hoá đầy màu sắc. Mang đến những trải nghiệm về sự đa dạng văn hóa và tinh thần đoàn kết, khép lại chương trình với một không khí phấn khởi, ấm áp và tràn đầy hy vọng cho tương lai.

Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Thanh Lam, Minh Quân Lưu Hương Giang, Kyo York, Lê Anh, Lê Trang, Bích Mận, Kalin, Vũ đoàn Lavender, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San và Các diễn viên quần chúng huyện Chư Păh. Dẫn chương trình: Hồng Nhung - Vũ Mạnh Cường (VTV). Bên cạnh đó đặc biệt có sự xuất hiện của NSND Lê Chức - Cố vấn nghệ thuật, Tổng biên đạo Uyên Chi, Biên kịch Trần Hướng, Giám đốc âm nhạc Kiều Vương Long, Giám đốc sáng tạo Ngô Quang Hưng - Lê Xuân Tường, Giám đốc hình ảnh Trần Chương - Hoàng Anh…

Các ca khúc thể hiện trong chương trình đậm đặc sắc màu Tây Nguyên như Ngọn lửa cao nguyên, Đôi mắt Pleiku, Dã quỳ, Về với Gia Lai, Hãy cùng tôi ở lại… mang đến chương trình nghệ thuật hoành tráng, ngập tràn sắc màu và những hoạt động sôi động dành cho khán giả. Âm hưởng mạnh mẽ của tiết mục hòa quyện giữa giai điệu truyền thống Tây Nguyên và nhạc hiện đại sẽ cuốn hàng nghìn người tham gia vào không gian văn hóa đặc sắc của vùng cao nguyên.

Điểm nhấn của chương trình chính là ý tưởng sân khấu, màn pháo bông chào mừng Lễ hội cùng sự hội tụ kỷ lục của các nghệ nhân tham gia đánh cồng chiêng. Các nghệ sĩ cùng hợp lực tạo nên một màn trình diễn rực lửa, nơi âm nhạc, ánh sáng và vũ đạo cùng hòa quyện, khắc họa tinh thần kiên cường, đoàn kết của các dân tộc Gia Lai. Tiếng trống, tiếng cồng chiêng hòa cùng nhịp điệu hiện đại tạo nên một bản hòa ca mạnh mẽ, đầy năng lượng, thể hiện sức sống bất diệt của đại ngàn.