Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ ly hôn của "vợ chồng Tập đoàn Trung Nguyên": Hai cấp Tòa đều để sót "tài sản chung của 2 vợ chồng trong hôn nhân"?

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên có đơn gửi Hội đồng Thẩm phán – TAND tối cao cung cấp thêm tài liệu chứng cứ về những vi phạm nghiêm trọng trong nội dung bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh và phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Bản án sơ thẩm được tuyên với quá nhiều những vi phạm nghiêm trọng các thủ tục tố tụng trong suốt quá trình giải quyết vụ kiện như không thu thập đầy đủ chứng cứ, không tổ chức đối chất, tiếp cận công khai chứng cứ, hòa giải, sử dụng những chứng cứ sai trái, các số liệu được xác minh là không có thật nhưng vẫn được Tòa sơ thẩm chấp nhận.
Điều này đã gây thiệt thòi rất lớn đến bản thân bà Thảo và các con đồng thời khiến dư luận bức xúc. Chính vì thế ngày 11/4/2019, Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã có Quyết định kháng nghị số 14/QĐKNPT-VKS-DS và chỉ ra 11 điểm sai phạm nghiêm trọng, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
  Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa có đơn gửi Hội đồng Thẩm phán – TAND tối cao cung cấp thêm tài liệu chứng cứ về những vi phạm nghiêm trọng trong nội dung bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh và phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Bà Hoàng Lê Diệp Thảo bày tỏ: "Tại phiên Tòa phúc thẩm, các đại diện của nguyên đơn, luật sư, đại diện VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã phân tích và chỉ ra rất nhiều, rất cụ thể và rõ ràng về những vi phạm nghiêm trọng (về thủ tục tố tụng, về nội dung, về sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, thậm chí là cả hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ, kết quả vụ án…) trong bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên, bản án phúc thẩm một lần nữa, lại tiếp tục lặp lại nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, về áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan trong việc xét xử, xác định và phân chia khối tài sản chung của vợ chồng tôi. Việc này đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân tôi, đặc biệt là tước đoạt quyền được nhận tài sản mà tôi đang thực hiện hoạt động kinh doanh"..
Được biết, ngày 31/3/2020, Viện trưởng VKSND Tối cao tiếp tục có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 08/QĐKNGĐT-VKS-DS đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét hủy toàn bộ đối với hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm.
Đặc biệt, theo các tài liệu chứng cứ bà Lê Hoàng Diệp Thảo mới gửi tới Hội đồng Thẩm phán – TAND tối cao, đã có hàng chục nghìn mét vuông đất tại Phú Quốc là tài sản trong hôn nhân của "vợ chồng tập đoàn Trung Nguyên" nhưng cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều để ra ngoài, không chấp nhận xem xét giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan (mặc dù các yêu cầu này đã được Tòa thụ lý trước đó).
Theo luật sư Đặng Ngọc Hoàng Hưng - luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, về quyền sử dụng của 3 mảnh đất tại Phú Quốc (Kiên Giang), bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có đơn đề nghị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh giải quyết phân chia đối với tài sản chung của hai vợ chồng mà hiện tại đang do ông Đặng Lê Nguyên Vũ nắm giữ. Cụ thể bà Thảo yêu cầu giải quyết đối với các Quyền sử dụng đất: QSDĐ tọa lạc tại địa chỉ Ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc với diện tích 19.532 m2 theo thửa đất số 16 tờ bản đồ số 07 (theo sơ đồ 14); QSDĐ tọa lạc tại địa chỉ Bãi Thơm, huyện Phú Quốc với diện tích 4.447 m2 theo thửa đất số 03 tờ bản đồ số 07 (theo sơ đồ 14); QSDĐ tọa lạc tại địa chỉ Bãi Thơm, huyện Phú Quốc với diện tích 8.970 m2 theo thửa đất số 09 tờ bản đồ số 07 (theo sơ đồ 14).
"Trong đơn của mình, bà Thảo đã trình bày rõ việc mua bán các QSDĐ này, các bên đã thực hiện việc mua bán các QSDĐ này bằng hợp đồng giấy viết tay giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ với ông Dương Hồng Lâm và bà Hồ Thị Quyến. Vợ chồng ông bà (thời điểm giao dịch mua bán) đã thực hiện thanh toán đầy đủ tiền cho ông Lâm và bà Quyến. Do thời điểm đó, hợp đồng chưa được công chứng/chứng thực, nên việc đăng ký thủ tục chuyển nhượng cho người khác chưa được hoàn tất, ông Lâm và bà Quyến vẫn đứng tên trên giấy chứng nhận QSDĐ. Và kết quả xác minh của Tòa, cũng thể hiện ông Lâm và bà Quyến đang đứng tên tài sản này. Thế nhưng, cả Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã không làm rõ số tiền mua bán các quyền sử dụng đất này là trong thời kỳ hôn nhân, thuộc tài sản chung của vợ chồng ông Vũ - bà Thảo theo quy định của pháp luật. Từ đó, Tòa án đã mặc nhiên cho rằng việc đưa ông Lâm, bà Quyến vào tham gia tố tụng cũng không cần thiết, việc Tòa giải quyết như vậy là không triệt để, thể hiện sự không vô tư, khách quan trong xét xử. Cũng chính từ việc này Tòa đã giúp cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ hưởng lợi riêng, bỏ ngoài những tài sản chung này, không đưa vào danh mục tài sản chung trong hôn nhân để xét xử, gây thiệt hại rất lớn cho bà Diệp Thảo" luật sư Hoàng Hưng phân tích.
Luật sư Hoàng Hưng thông tin thêm, theo các tài liệu chứng cứ thu thập được đến nay, nếu như hai cấp Tòa TP Hồ Chí Minh nói lí do là các bất động sản tại Phú Quốc không phải của ông Đặng Lê Nguyên Vũ nên không đưa vào danh mục tài sản chung trong hôn nhân, vậy tại sao trong các năm 2011, 2014 UBND huyện Phú Quốc đã có Quyết định thu hồi một số mảnh đất để xây dựng khu du lịch tại Phú Quốc gửi người đứng tên quyền sử dụng đất là ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Đồng thời, từ năm 2011 đến nay, ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên tiếp có những đơn kiến nghị, khiếu nại về việc thu hồi đất trái pháp luật tại Phú Quốc. Gần đây nhất, ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn tiếp tục làm ủy quyền cho hai nhân viên (Đào Việt Tuấn và bà Nguyễn Thị Xuân Khánh) liên hệ với UBND huyện Phú Quốc để giải quyết liên quan đến việc khiếu nại trong việc thu hồi các QSDĐ tọa lạc tại Phú Quốc.
Trong đơn gửi Hội đồng Thẩm phán – TAND Tối cao bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục kiến nghị hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vì có nhiều điểm sai sót đã được bà nêu và cung cấp tài liệu, chứng cứ. Đồng thời xem xét, đánh giá một cách khách quan toàn diện về quá trình tạo lập hình thành khối tài sản chung của hai vợ chồng bà trong thời kỳ hôn nhân, bản đảm quyền và nghĩa vụ của bà với tư cách là cổ đông và người quản lý điều hành của Tập đoàn Trung Nguyên trong việc phân chia khối tài sản chung một cách công bằng, khách quan, đúng với các quy định của pháp luật.