Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ mất tác phẩm tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020: Tranh cãi chưa có hồi kết

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam xảy ra sự việc tranh của họa sĩ bị xước, tác phẩm điêu khắc bị thất lạc. Liên quan đến vấn đề này, mới đây, một số họa sĩ, nhà điêu khắc không dừng lại ở việc đàm phán với Ban Tổ chức mà đã gửi đơn khiếu nại tới Thanh tra Bộ VHTT&DL để làm rõ sự việc và đảm bảo quyền lợi cho các họa sĩ tham dự triển lãm vừa qua.

Tranh bị xước khi gửi tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020. Ảnh: NVCC
Mặc cả tiền đền bù tác phẩm
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam được tổ chức định kỳ 5 năm/lần. Năm 2020, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 3.571 tác phẩm của 1.382 tác giả từ 58/63 tỉnh, TP gửi về tham dự. Trong đó, Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn ra 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày. Thế nhưng, triển lãm không “xuôi chèo mát mái” như các kỳ trước. Ban Tổ chức đã không thể chu toàn trong các quy trình, để xảy ra vụ việc xước tranh và vỡ tác phẩm điêu khắc. Tại một buổi họp báo trước thềm triển lãm, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) Mã Thế Anh trả lời báo chí nghẹn lời như muốn khóc vì những câu hỏi xoay quanh sự vụ Ban Tổ chức làm xước tranh, vỡ tác phẩm điêu khắc khiến họa sĩ xin rút tranh, đòi bồi thường khoảng 50.000 USD.

Sau sự việc trên, các họa sĩ, nhà điêu khắc đã nhiều lần đàm phán với Ban Tổ chức để đảm bảo quyền lợi. Họa sĩ Phạm Hùng Anh, người bị mất tác phẩm bút sắt trên giấy, kích thước 159 x 238cm mang tên “Thời gian” đã đưa ra mức đền bù tác phẩm bị thất lạc là 12.000 USD. Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán trực tiếp và gián tiếp (gọi điện) giữa Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam và họa sĩ, yêu cầu bồi thường này không được đáp ứng. Mới đây nhất, họa sĩ Hùng Anh cho biết, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã làm việc với anh 4 lần nhưng chưa có kết quả.

Theo họa sĩ Phạm Hùng Anh, khi đề cập đến việc đền bù tác phẩm, cơ quan có thẩm quyền đã trả giá quá thấp so với mức được đề xuất. Vì vậy, ông đã đề nghị mời hội đồng thẩm định giá tác phẩm (dù tác phẩm không còn). Nhưng, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã gọi điện cho tác giả và thông báo sẽ mời hội đồng thẩm định. Khi hội đồng thẩm định xong, họa sĩ Hùng Anh phải chấp nhận kết quả của hội đồng và phải trả một nửa chi phí cho hội đồng. Điều này là không hợp lý bởi tác phẩm đã không còn thì không thể thẩm định và việc đền bù là trách nhiệm của Ban Tổ chức nhưng lại đòi tác giả một nửa chi phí.

Yêu cầu bồi thường thỏa đáng

Tương tự như họa sĩ Phạm Hùng Anh, nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch, người bị mất 1 tác phẩm và vỡ 1 tác phẩm trong nhóm tượng “Đông về” đã đưa ra mức đền bù là 10.000 USD. Mới đây, tác giả đã gửi đơn khiếu nại đến Bộ VHTT&DL. Chỉ ít thời gian đơn được gửi đi, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã có phản hồi bằng việc xin văn bản giao nhận tác phẩm và xác nhận tác phẩm mất để xử lý vụ việc. Đây là tín hiệu tích cực để nhà điêu khắc này tin tưởng vụ việc sẽ nhanh chóng đi đến hồi kết. Nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch chia sẻ, anh không muốn đẩy sự việc lên căng thẳng. Nhưng anh và họa sĩ Hùng Anh sẽ làm một lần tới cùng để không tạo tiền lệ cho các triển lãm tiếp theo và mong muốn Ban Tổ chức các triển lãm mỹ thuật toàn quốc sau này sẽ tìm ra giải pháp, nâng cao trách nhiệm không để xảy ra việc mất, làm hư hỏng tác phẩm.

Họa sĩ Phạm Hùng Anh cũng không còn chờ đợi Ban Tổ chức triển lãm bồi thường và dàn xếp ổn thỏa. Ông đã gửi đơn lên Thanh tra Bộ VHTT&DL yêu cầu làm rõ sự việc và đây cũng là một cách, ông mong muốn Ban Tổ chức sớm kết thúc việc bồi thường thỏa đáng cho các họa sĩ. Được biết, vào ngày mai (2/4), trung tâm sẽ có buổi làm việc với họa sĩ Hùng Anh về việc đền bù tác phẩm bị mất tại triển lãm vừa qua.

Tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020, bên cạnh họa sĩ Hùng Anh và nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch, các tác giả có tác phẩm bị hư hỏng đã được đền bù với số tiền để sửa chữa tác phẩm. Tuy nhiên, theo các họa sĩ, nhà điêu khắc, tác phẩm nghệ thuật bị vỡ, hỏng, có sửa cũng không thể trả lại vẻ đẹp ban đầu. Vì vậy, họ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để Ban Tổ chức rút kinh nghiệm cho các lần tổ chức tiếp theo trọn vẹn hơn, thay vì không đòi hỏi đền bù hoặc có đền bù nhưng ở giá trị quá thấp.