Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ máy bay Nga bị bắn rơi: Vòng luẩn quẩn tiền – dầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ biến cuộc xung đột tại Syria như một...

Kinhtedothi - Vụ máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ biến cuộc xung đột tại Syria như một “vết dầu loang”, có nguy cơ tác động đến nhiều quốc gia khác. Các tác động này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, mà trực diện là thị trường dầu mỏ.

Nga - Thổ căng thẳng, dầu tăng giá

Cụ thể, trong phiên giao dịch trên thị trường Mỹ, giá dầu thô ngọt nhẹ đã có lúc tăng đến 4%. Trên thị trường London (Anh), giá dầu Brent tăng 2,9% lên mức 46,12 USD/thùng. Các nhà phân tích nhận định rằng, việc giá dầu tăng là do Nga là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới và xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm cho bất ổn ở khu vực Syria, nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn, ngày càng tăng.
Dự án khí đốt dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ bị hủy sau vụ máy bay Nga bị bắn rơi.
Dự án khí đốt dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ bị hủy sau vụ máy bay Nga bị bắn rơi.
Không những thế, căng thẳng giữa Nga - Thổ đã gây ra những tác động khó lường về dài hạn cho thị trường dầu mỏ vốn đã bấp bênh thời gian qua. Theo thông tin mới nhất, Thủ tướng Nga Medvedev cho biết, nước này đang cân nhắc hủy một vài dự án quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cấm các công ty nước này tham gia thị trường Nga. Cụ thể, Nga có thể sẽ hủy một dự án đường ống dẫn khí, vốn nhằm mục đích biến Thổ Nhĩ Kỳ thành quốc gia trung chuyển lớn cho khí đốt Nga vào châu Âu. Điều này không chỉ làm thiệt hại hàng triệu USD mà còn khiến thị trường dầu mỏ ngày càng phải phụ thuộc vào các “ông lớn” trên thế giới. Và khi xảy ra xung đột thì giá dầu lại càng “nhảy múa”.

“Át chủ bài” của Thổ Nhĩ Kỳ

Tuy nhiên, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ còn một “con bài” chiến lược là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo chuyên gia Andrew Bowen - Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Đông, việc tỏ ra cứng rắn với Nga và đỉnh điểm là bắn hạ chiếc Su-24 có thể là một hành động có tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thắt chặt quan hệ và tìm kiếm lợi ích từ các đồng minh NATO.

Ngay sau vụ việc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã yêu cầu các thành viên NATO ở Bỉ họp khẩn để kêu gọi hỗ trợ thêm cả về quân sự lẫn chính trị, nhằm đảm bảo an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan có lẽ hy vọng sau sự cố, các đối tác NATO sẽ hợp tác gần gũi hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là sau khi Pháp có những động thái hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố.

Quả thật, đại diện NATO đã lên tiếng ủng hộ hành động của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của nước này sau khi cho rằng chiếc Su-24 của Nga đã vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Động thái này cho thấy mâu thuẫn giữa hai quốc gia có khả năng trở thành mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây. Điều đó dự báo một tương lai u ám cho kinh tế Nga rằng, có thể các nước phương Tây sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Moscow sau sự kiện trên. Như vậy, các mâu thuẫn địa chính trị chưa bao giờ tách rời khỏi lợi ích kinh tế và càng khiến cho cái vòng luẩn quẩn này thêm rối rắm.