Vụ “Mở tờ khai lúc 0 giờ”: Sao không ưu tiên DN đã khai dở dang từ trước?

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là kiến nghị của hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã đảm bảo đầy đủ điều kiện: Hàng hóa sẵn sàng ở cảng, chỉ chờ xếp tàu, đóng container (có lô hàng đã đóng container trước ngày 24/3), nhưng chưa truyền được tờ khai hải quan.

Một DN thực hiện thành công 102 tờ khai trong vài giờ!
Liên quan đến vụ việc Tổng cục Hải quan mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lúc 0 giờ ngày 11/4 vừa qua. Trong giới DN xuất khẩu gạo xuất hiện nhiều nghi vấn có “lợi ích nhóm” mà theo nội dung đơn gửi Thủ tướng Chính phủ để cầu cứu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An - PV), gọi đó là “Dịch trục lợi chính sách của lợi ích nhóm”.
 Trong khi ''câu giờ'' với gạo DTQG thì Vinafood 1 lại nằm trong danh sách khai thành công việc xuất hơn 7.189 tấn gạo trong hạn ngạch xuất 400.000 tấn của tháng 4/2020.
Đơn cầu cứu của Công ty Trung An, do ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc với nội dung: “Vào lúc 14 giờ 46 phút ngày 11/4 (thứ Bảy), Công ty Trung An nhận được quyết định 1106/QĐ-BCT ngày 10/4 và công văn 0361/XNK-NS ngày 10/4 để thực hiện theo công văn 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4 của Văn phòng Chính phủ.
Ngay sau đó công ty đã túc trực trên máy tính để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở từ ngày 24/3 (công ty cho nhân viên trực khai hải quan đến 21 giờ đêm 11/4), nhưng hệ thống phần mềm hải quan điện tử không mở; công ty cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan hàng gạo của hải quan; công ty lên hệ thống phần mềm hải quan điện tử để lấy thông tin tờ khai nhưng chỉ nhận được hệ thống báo như sau: Thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở trung tâm”.
Cũng theo ông Phạm Thái Bình, đến sáng Chủ nhật ngày 12/4, công ty tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai, thì hệ thống công bố đã đủ chỉ tiêu. Quá bức xúc, nên công ty liên hệ một số doanh nghiệp có nghiệp vụ về mạng và được biết hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai lúc 0 giờ ngày 12/4 đến 3 giờ sáng cùng ngày đóng lại vì đủ hạn ngạch 400.000 tấn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo xử lý phản ánh việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu tháng 4/2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này.

Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo việc mua tạm trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 3/4/2020 và văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung nêu trên trước ngày 18/4/2020.

Trong danh sách hơn 40 DN thiết lập và truyền thành công tờ khai hải quan xuất khẩu gạo, đáng chú ý có DN thiết lập và truyền thành công đến 102 tờ khai hải quan là Công ty CP Tập đoàn Intimex và được xuất đến 96.234 tấn/400.000 tấn, chiến gần 25% hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020.
Điều này khiến giới thương nhân không thể không nghi ngờ Công ty CP Tập đoàn Intimex có mối “quan hệ thâm sâu” như thế  nào mới biết được thời điểm từ 0 giờ ngày 12/4 website của Tổng cục Hải quan mở mạng!
Có hay không sự can thiệp của con người vào mạng?
Ngoài nghi ngờ đối với việc Công ty CP Tập đoàn Intimex trong khoảng thời gian ngắn lập thành công 102 tờ khai hải quan. Các DN xuất gạo cũng đặt vấn đề “có sự can thiệp” của con người vào website mở tờ khai của Tổng cục Hải quan.
Bởi lẽ theo báo cáo nhanh số 58 ngày 15/4, của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Tổng cục Hải quan, đã chỉ ra những điểm bất hợp lý khi DN thiết lập tờ khai hải quan.
Đó  là các tờ khai của một số thương nhân đăng ký hải quan kể từ 0 giờ ngày 11/4, đã có số tờ khai, đã phân vào luồng đỏ. Thế nhưng đến ngày 13/4, sau khi tái kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này “tự động” bị lùi về thời điểm ngày 10/4!
Cũng theo VFA, có ít nhất 3 thương nhân bị tình trạng “tự động” lùi thời điểm và vẫn chưa tìm được câu trả lời cho tình huống này. Thậm chí có trường hợp các tờ khai hải quan đã có số tờ khai nhưng chưa phân luồng, đã được ghi nhận trước đó, đến thời điểm sáng 14/4, lại bị mạng hải quan xóa bỏ khi chưa đủ 15 ngày theo quy định!
Từ những việc làm không minh bạch nêu trên, Công ty Trung An đã trích dẫn lời của quan chức Hải quan trả lời báo chí, như sau: “Chiều 12/4, khi trao đổi với phóng viên…, ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết do quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo của Bộ Công thương được ban hành vào tối 10/4, rơi vào ngày cuối tuần (thứ 6). Nên đến hiện tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh chưa nhận được văn bản hướng dẫn thực hiện thông quan đối với xuất khẩu mặt hàng gạo…; sớm nhất ngày 13/4 (thứ 2) Bộ Tài chính và Tổng Cục Hải quan mới có văn bản hướng dẫn cho Cục Hải quan các tỉnh thành. Khi có thông tin cụ thể, Cục Hải quan TP sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN thực hiện xuất khẩu gạo”.
 Báo cáo của VFA nêu nhiều tờ khai đã có số và phân vào luồng đỏ,nhưng sau đó tự động bị... lùi ngày!hỉ 
Nên cấm xuất gạo đối với DN xem nhẹ lợi ích quốc gia
Bên cạnh việc không minh bạch trong thiết lập các thủ tục hải quan để xuất khẩu gạo, còn xuất hiện nhiều DN kinh doanh kiểu “chụp giật”. Đó là những đơn vị đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2020, đã không ký hợp đồng và không thực hiện thương thảo hợp đồng để nhập gạo vào kho DTQG theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ là 190.000 tấn.
Thế nhưng, khi giá gạo biến động tăng, các DN làm ăn kiểu “chụp giựt” đã rất nhanh để thực hiện việc lập và truyền thành công những tờ khai hải quan để xuất hàng chục nghìn tấn gạo! Cụ thể, Công ty TNHH Phát Tài đã trúng nhiều gói thầu với các Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) ở các khu vực (tổng số trúng thầu 17.940 tấn gạo), nhưng không thực hiện nhập gạo vào kho DTQG. Công ty này chấp nhận “bỏ” một số tiền cọc khá nhỏ (chỉ khoảng 2 - 3% so với việc xuất khẩu sẽ lời từ 25 - 28% do biến động giá) để khắc phục vi phạm và sau đó không hiểu bằng cách nào lại đăng ký xuất thành công xuất đến 13.630 tấn gạo.
Hay Công ty CP Mỹ Tường cũng bỏ gói thầu số 7 cung cấp 900 tấn gạo nhập vào kho DTQG năm 2020 tại Cục DTNN Lâm Đồng, và cũng chịu mất ít tiền đặt cọc để không giao gạo dự trữ mà xuất tới 10.650 tấn!
Ngoài 2 DN kể trên, còn phải kể tên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cùng một số công ty thành viên của mình cũng trúng nhiều gói thầu cung cấp gạo DTQG năm 2020. Nhưng vì đồng lời trước mắt, họ đã không thực hiện hợp đồng, không quan tâm đến an ninh lương thực quốc gia nhưng rất nhanh nhảu “khai báo hải quan giữa đêm” để khai xuất thành công hơn 7.189 tấn gạo!
Từ việc quá nhiều DN trúng thầu cung cấp gạo DTQG, nhưng không thực hiện hợp đồng đã ký với các Cục DTNN khu vực. Do đó, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nên cấm những DN này không được phép xuất khẩu gạo, để qua đó không những loại bớt doanh nghiệp làm ăn bất chính mà còn đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia.
Trước việc nhiều DN đã trúng thầu cung cấp gạo DTQG năm 2020, nhưng cố tình kéo dài thời gian ký hợp đồng, không thực hiện thương thảo hợp đồng. Do đó ngày 3/4, Bộ Tài chính đã có công văn 3905/BTC-QLG gửi Bộ Công thương để “tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo”.
Văn bản 3905, nêu: “Chỉ tiêu kế hoạch mua gạo DTQG năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc tẻ thường. Trước tình hình nhu cầu xuất khẩu tăng, nên các DN đã trúng thầu cung cấp gạo DTQG (đã trúng thầu 178.000 tấn/190.000 tấn kế hoạch) có tình trạng kéo dài thời gian ký hợp đồng và không thực hiện thương thảo hợp đồng. Vì vậy đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết 15/6, để đảm bảo mua đủ gạo DTQG theo quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 21/1 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch giao chỉ tiêu DTQG năm 2020”.
Công văn 3905 của Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Tthương báo cáo Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Vinafood 1 và các công ty thành viên của Vinafood 1 ưu tiên ký ngay hợp đồng đối với số lượng gạo đã trúng thầu tại các Cục DTNN khu vực theo kết quả đấu thầu.