Ai cho phép Vietnam Airlines có cơ chế riêng?
Vụ việc nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vi phạm quy định khi cách ly dẫn đến bị nhiễm Covid-19 và lây cho nhiều người đang trở thành chủ đề nóng được toàn xã hội quan tâm. Cùng với việc khẩn trương tổ chức dập dịch, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính khẳng định, việc Vietnam Airlines có cơ chế riêng về việc thành lập khu cách ly tập trung để tổ bay cách ly tại đây mà không phải vào cơ sở cách ly do Nhà nước quản lý là có vấn đề. “Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch toàn cầu như Covid-19 thì tất cả mọi người, mọi cơ quan, đơn vị đều phải chấp hành quy định chung, không nên có bất cứ ngoại lệ hay cơ chế riêng nào cả” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.Phân tích sâu về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, với cơ chế riêng này sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các hãng bay, tiểm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu công tác quản lý, giám sát tại khu cách ly của Vietnam Airlines có lỗ hổng. Thực tế, các hãng hàng không khác sau khi thực hiện chuyến bay đưa khách nước ngoài về Việt Nam đều giao tổ bay cho cơ sở cách ly do Nhà nước quản lý. Ngay cả khi có xét nghiệm 2 lần âm tính, các phi công, tiếp viên cũng không về nhà khi chưa đủ 14 ngày. Tuy nhiên, theo thông tin được ngành y tế TP Hồ Chí Minh công bố, cả công tác quản lý, giám sát trong khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines và khi BN 1342 tự cách ly ở nhà đều có sai phạm. Từ phân tích trên, chuyên gia này cho rằng, đã đễn lúc phải đặt ra câu hỏi: Tại sao Vietnam Airlines lại được xây dựng những trung tâm cách ly riêng mà không phải vào các trung tâm của cơ quan quản lý Nhà nước? Cơ quan chức năng phải làm rõ đơn vị nào cho phép Vietnam Airlines được thành lập khu cách ly riêng mà không phải vào cơ sở do Nhà nước quản lý. “Sự việc xảy ra ở trung tâm cách ly của Vietnam Airlines thì hãng hàng không này đương nhiên phải chịu trách nhiệm. Vấn đề nằm ở chỗ, Vietnam Airlines có được toàn quyền và chịu toàn trách nhiệm đối với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định cách ly tại trung tâm của hãng hay không hay sẽ có một đơn vị khác được giao nhiệm vụ này?” – PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.Tổ bay cũng phải cách ly tập trung đủ 14 ngàyĐồng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội khẳng định, việc trao cho Vietnam Airlines được phép có trung tâm cách ly riêng là không được. “Phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc của Bộ Y tế vì đây là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về sức khỏe người dân, không được phép có bất cứ đặc quyền, đặc lợi hay cơ chế riêng nào” - PGS.TS Bùi Thị An nói.Về việc Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất áp dụng quy định cho tổ bay về nhà sớm trong khi các hãng hàng không khác ngay cả khi có xét nghiệm 2 lần âm tính, các phi công, tiếp viên cũng không về nhà khi chưa đủ 14 ngày, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng cần phải chấm dứt “đặc quyền” này. “Dù là cách ly riêng hay cách ly chung đều phải tuân thủ tuyệt đối thời gian cách ly tối thiểu 14 ngày. Có thể lỗi ở đây nằm ở tâm lý chủ quan của một cá nhân nhưng hậu quả là cả xã hội đang hoang mang, lo lắng” – PGS.TS Bùi Thị An nói.Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, Vietnam Airlines hiện có 2 trung tâm cách ly y tế riêng của hãng. Trong đó, trung tâm tại TP Hồ Chí Minh có hai cơ sở, một ở tòa nhà số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình và hai là ở nhà B số 1 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình với tổng cộng 94 phòng đáp ứng 184 người cách ly.
Tại Hà Nội có một trung tâm tại số 200/10 Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, quận Long Biên với 43 phòng, phục vụ 115 người cách ly. Các trung tâm cách ly này đã được cấp phép và sẽ do Vietnam Airlines kiểm soát, Sở Y tế kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, theo giới thiệu của Vietnam Airlines, những trung tâm cách ly này đều đảm bảo ngăn ngừa tuyệt đối khả năng lây nhiễm, được sử dụng camera giám sát 24/7.
Như vậy, trong lúc BN 1342 tiếp xúc với người ở chuyến bay từ Rumani về, hệ thống camera 24/7 này chắc chắn phải phát hiện ra. Điều khó hiểu là BN 1342 vẫn được cho về nhà tự cách ly chỉ sau 4 ngày cách ly tập trung dù anh này đã tiếp xúc với người vừa đi trên chuyến bay có nhiều người nhiễm Covid-19.
"Bộ GTVT đang xem xét về mặt pháp lý để tiến hành các thủ tục xử phạt đối với việc vi phạm quy định phòng chống Covid-19 tại khu cách ly tập trung Vietnam Airlines. Có thể kỷ luật Vietnam Airlines hoặc đơn vị tổ chức cách ly không đảm bảo quy định. Còn với nhân viên Vietnam Airlines hoặc cá nhân trực tiếp vi phạm, thẩm quyền xử lý thuộc thẩm quyền của UBND TP Hồ Chí Minh." - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể Vietnam Airlines vừa chính thức lên tiếng xin lỗi về việc tiếp viên của hãng vi phạm quy định cách ly khiến bị nhiễm Covid-19. Theo đó, do công tác quản lý, giám sát của Ban Quản lý khu cách ly tập trung Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines phía Nam - 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình và ý thức chủ quan cá nhân, tiếp viên D.V.H đã vi phạm quy định cách ly là tiếp xúc với đồng nghiệp, bạn bè, người thân trong quá trình cách ly tập trung và tại nơi cư trú, đã lây nhiễm virus cho người khác.Vietnam Airlines cho biết thêm, hãng đã làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và các bộ, ngành liên quan để thắt chặt, nâng cao quy trình phòng chống dịch cho tổ bay sau khi thực hiện các chuyến bay quốc tế về Việt Nam nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Vietnam Airlines luôn xác định an toàn phòng chống dịch cho hành khách, cán bộ, nhân viên, phi công, tiếp viên và cộng đồng là ưu tiên số 1 và Hãng đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra, xử lý tất cả các cá nhân, tổ chức căn cứ trên mức độ sai phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. |