Vụ sai phạm tại TCT Bình Dương: Bắt thêm nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương Hà Văn Thuận, hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương bị bắt, Bộ Công an còn bắt thêm 3 bị can khác.

Ngày 24/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã bắt tạm giam thêm 4 bị can liên quan đến những sai phạm tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (TCT Bình Dương - PV).
 4 bị can vừa bị C03 Bộ Công an bắt tạm giam, từ trái qua: Hồ Đắc Hiếu, Hà Văn Thuận, Nguyễn Kim Liên và Vũ Thị Lợi. Ảnh: Bộ Công an.
4 bị can bị bắt, gồm: Hà Văn Thuận, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương, hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương; Hồ Đắc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và thẩm định giá Đông Nam; Nguyễn Kim Liên, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương; Vũ Thị Lợi, nguyên Trưởng Phòng nghiệp vụ thuộc Chi cục Tài chính doanh nghiệp tinh Bình Dương, hiện là Phó Phòng Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương. 
Cả 4 bị can trên đều bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” được quy định tại điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam 4 bị can được thực hiện sau khi Viện KSND Tối cao phê chuẩn. Hiện C03 Bộ Công an vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Liên quan đến vụ án này, vào ngày 27/7, C03 Bộ Công an đã bắt tạm giam đối với bị can Trần Văn Nam (SN 1963, quê tỉnh Bình Dương), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cũng với tội danh nêu trên.
 Bị can Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.
Ngoài bị can Trần Văn Nam, trước đó C03 Bộ Công an cũng bắt hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương, gồm: Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Xuân Lâm, Chánh Thanh tra tỉnh; Võ Văn Lượng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Ngô Dũng Phương, Trưởng phòng Tài chính Đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy; Phạm Văn Cành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và nhiều lãnh đạo Công ty Nhà nước, Công ty tư nhân, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh…
Đến tháng 8/2021, C03 Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra chuyển sang Viện KSND Tối cao để đề nghị truy tố 21 bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” được quy định tại điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.  
Theo nội dung vụ án, khu đất diện tích 430.000m2 (43ha) tại phường Hòa Phú (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là tài sản Nhà nước giao cho TCT Bình Dương thực hiện dự án Khu đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú nằm trong Khu Liên hợp Dịch vụ - Đô thị - Thương mại Bình Dương được Chính phủ phê duyệt.
Năm 2016, TCT Bình Dương chuyển nhượng khu đất này cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với giá hơn 250,1 tỷ đồng (Số làm tròn), giá do các bên tự thỏa thuận. Sau đó, khu đất 43ha nêu trên được Công ty Tân Phú chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh - TP Hồ Chí Minh (Công ty Kim Oanh) và đơn vị này động thổ, rao bán đất nền khi chưa đủ điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ)…
Ngoài những sai phạm nghiêm trọng tại khu đất 43ha nêu trên, cơ quan điều tra còn xác định tại khu đất diện tích 145ha ở gần đó, được Nhà nước giao cho TCT Bình Dương cũng xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể bị can Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TCT Bình Dương dùng nhiều thủ thuật để biến đất Nhà nước giao quản lý, sử dụng trở thành… đất nhà mình.
 Khu đất 43ha dự án Khu đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú, khiến nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Dương bị bắt giam. 
Sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương vào cuộc xác minh đến ngày 16/12/2019 ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” để điều tra. Đến ngày ngày 7/4/2020, Công an tỉnh Bình Dương bắt một số bị can, sau đó ra quyết định tạm giữ giấy chứng nhận QSDĐ số BK 075229 và số BK 075230 của 43ha nêu trên. Tuy nhiên, đại diện Công ty Tân Phú xác nhận 2 giấy chứng nhận này đã được đem thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) để bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Công nghiệp Nam Kim (Công ty con của Công ty Kim Oanh) với số tiền 350 tỷ đồng.
Do đó ngày 24/4/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm giữ giấy chứng nhận QSDĐ số BK 075229 và số BK 075230 do Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh quản lý và tiến hành thu giữ theo quy định. Đồng thời bàn giao lại khu đất 43ha cho UBND tỉnh Bình Dương và UBND phường Hòa Phú (TP Thủ Dầu Một) bảo quản theo quy định. Vụ án này, lúc đầu do Công an tỉnh Bình Dương thụ lý, sau đó Viện KSND tỉnh Bình Dương có quyết định chuyển hồ sơ lên Bộ Công an.
Vào tháng 11/2020, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quyết định đưa vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TCT Bình Dương vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Còn theo kết luận điều tra của C03 Bộ Công an, tổng số tiền các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.463 tỷ đồng, trong đó dự án 43ha gây thiệt hại hơn 302,8 tỷ, dự án 145ha thiệt hại hơn 1.160 tỷ đồng tại thời điểm chuyển nhượng năm 2016 và 2017.
Đến giữa tháng 10/2021, Viện KSND Tối cao có quyết định tra hồ sơ cho C03 Bộ Công an để điều tra bổ sung các hành vi của những bị can nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương, mức độ gây thiệt hại của từng bị can trong vụ án.