Vụ sập cầu ở Baltimore làm gia tăng lo ngại về hạ tầng tại Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ tàu container đâm sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, bang Maryland, khiến nhiều người lo ngại về hạ tầng Mỹ, với nhiều công trình được xây từ hàng chục năm trước và thiếu ngân sách bảo dưỡng.

Theo giới chuyên gia, ngoài tổn thất về nhân mạng, vụ sập cầu Francis Scott Key được dự báo tác động đáng kể đến kinh tế Mỹ và đời sống người dân khu vực. Song song với đó, sự việc cũng làm gia tăng lo ngại về tình trạng hạ tầng tại Mỹ lúc này.

Hàng chục ngàn cây cầu ở Mỹ có nguy cơ bị sập

Tàu container Dali sáng sớm 26/3 chết máy rồi đâm vào cầu Francis Scott Key ở TP Baltimore, bang Maryland, làm sập các nhịp cầu và khiến 8 người cùng một số phương tiện rơi xuống sông. Lực lượng cứu hộ cứu được 2 người, song 6 nạn nhân còn lại, đều là công nhân đang thi công trên cầu, được xác định đã thiệt mạng.

Theo Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Mỹ (ASCE) và chính phủ liên bang, 46.000 cây cầu 100 trong số 617.000 cây cầu ở Mỹ (tương đương 7,5% tổng số cây cầu) có kết cấu yếu và đang trong tình trạng “kém”. Trung bình mỗi ngày, có 178 triệu lượt di chuyển qua những cây cầu này.

Hiện trường vụ sập cầu Francis Scott Key ở TP Baltimore, bang Maryland, Mỹ, sau khi bị tàu chở hàng đâm trúng, ngày 29/3/2024. Ảnh: CNN
Hiện trường vụ sập cầu Francis Scott Key ở TP Baltimore, bang Maryland, Mỹ, sau khi bị tàu chở hàng đâm trúng, ngày 29/3/2024. Ảnh: CNN

Các kỹ sư và chuyên gia cơ sở hạ tầng nói rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan, xe tải hạng nặng và va chạm từ các tàu hàng lớn đã gây ra rủi ro đáng kể cho các cây cầu ở Mỹ.

Tại Mỹ, giới chức các tiểu bang tiến hành hoạt động kiểm tra các cây cầu ít nhất 2 năm một lần và phân loại chúng ở mức “tốt”, “ổn” hoặc “kém”. Một cây cầu được đánh giá ở tình trạng “kém” sẽ có một số bộ phận kết cấu rơi vào trạng thái “xuống cấp nặng”. ASCE cho biết, những cây cầu rơi vào tình trạng “kém” vẫn an toàn, song cần phải được đầu tư đáng kể để duy trì hoạt động. Các cơ quan chức năng cũng có thể cân nhắc việc cấm di chuyển qua những cây cầu này hoặc hạn chế tải trọng của xe tải qua cầu.

Theo ASCE, số lượng các cây cầu kết cấu yếu tại nước này đã giảm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tốc độ chi ngân sách cho việc bảo dưỡng những cây cầu này đã chậm lại. Một ước tính gần đây cho thấy chính quyền cần chi 125 tỷ USD để sửa chữa, gia cố các cây cầu ở Mỹ.

Chất lượng nhiều cây cầu cũ của Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như động đất, bão hoặc nhiệt độ tăng cao. Theo báo cáo được ASCE công bố năm 2021, gần 21.000 cây cầu ở Mỹ được phát hiện có nguy cơ bị hư hại nền móng khi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra.

Ngoài ra, chất lượng các cây cầu còn bị ảnh hưởng do những xe tải có tải trọng vượt quá quy định đi qua. Báo cáo của ASCE cho biết những chiếc xe tải này có thể vượt quá tải trọng 40 tấn (so với thiết kế ban đầu của cầu). Do đó, chúng có thể gây ra tình trạng quá tải cho các bộ phận của cầu, gây nứt kim loại, đồng thời làm giảm tuổi thọ của cầu.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng cũ, thời tiết khắc nghiệt và phương tiện hạng nặng, các tàu chở hàng lớn cũng là mối đe dọa đối với chất lượng các cây cầu ở Mỹ. Hơn 17.000 cây cầu có nguy cơ sập chỉ sau một cú va chạm. Điều đó có nghĩa là nếu bị tác động với lực đủ mạnh vào đúng chỗ, một đoạn lớn hoặc toàn bộ cây cầu có thể sụp đổ.

Mỹ sẽ tăng tốc đầu tư cho hạ tầng?

Vụ sập cầu ở TP Baltimore diễn ra 9 năm sau khi Bộ Giao thông Mỹ cảnh báo "tình trạng xuống cấp nghiêm trọng" của hạ tầng cầu đường tại Mỹ. Báo cáo năm 2021 từ ASCE cho thấy 42% cầu tại nước này đã hơn 50 năm tuổi, một số đã xuống cấp.

Các vụ tai nạn trong những năm gần đây được cho là do lỗi thiết kế hoặc bảo dưỡng kém, hoặc cả hai yếu tố này. Năm 2007, cầu I-35W ở bang Minnesota sập xuống sông Mississippi khiến 13 người chết và 145 người bị thương do quá tải. Gần đây hơn, vào năm 2021, một cây cầu 6 làn xe bắc qua sông Mississippi phải dừng hoạt động trong 3 tháng do một thanh tra đã bỏ sót hiện tượng nứt trên cầu.

Các chuyên gia cảnh báo sự cố sập cầu Francis Scott Key làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn tương tự như tàu hỏa trật bánh hay vỡ đập do tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng trên khắp nước Mỹ.

Vài giờ sau vụ sập cầu, Tổng thống Joe Biden thông báo, việc xây lại cầu Francis Scott Key sẽ là một ưu tiên của Chính phủ Mỹ, với chi phí do ngân sách liên bang chi trả. Tuy nhiên, rất nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác trên khắp đất nước hiện chưa nhận được sự quan tâm như vậy.

Ông Maria Lehman - Chủ tịch ASCE kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Cơ sở hạ tầng Quốc gia Mỹ, cho biết: “Cảnh báo về cơ sở hạ tầng xuống cấp diễn ra trên khắp nước Mỹ. Mỗi tiểu bang đều có một danh sách những cây cầu cần phải xây dựng lại ngay lập tức nếu được cấp kinh phí”. Theo ông Lehman, Mỹ hiện dành 1,5 - 2,5% GDP cho đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉ bằng 50% mức chi tiêu của Liên minh châu Âu.

Chính phủ Mỹ năm 2021 đã ký ban hành một đạo luật chi tiêu khổng lồ tới 1,2 ngàn tỷ USD trong vòng 5 năm tập trung vào sửa chữa cơ sở hạ tầng tại nước này. "8 Tổng thống Mỹ gần đây đều cam kết chi nhiều tiền, hàng ngàn tỷ USD, cho hạ tầng, nhưng không ai thực hiện. Nếu mái nhà bị dột, bạn cần leo lên trên đó, tìm chỗ thủng và vá lại. Còn nếu không quan tâm, việc sửa chữa sẽ vô ích và bạn sẽ phải thay thế toàn bộ" - Chủ tịch ASCE Maria Lehman nói với tờ National Geographic.

Song song với việc cải thiện chất lượng cầu, các chuyên gia cho rằng yêu cầu cấp thiết là cơ quan chức năng phải bảo vệ những cây cầu cũ khỏi nguy cơ bị các tàu hàng đụng phải. Theo báo cáo của Hiệp hội Cơ sở hạ tầng Giao thông đường thủy thế giới vào năm 2018, từ năm 1960 - 2015, khoảng 35 cây cầu lớn trên khắp thế giới đã bị sập do bị tàu hoặc sà lan va chạm, khiến 342 người thiệt mạng. Trong 3 tháng đầu năm nay, các tàu thương mại đã khiến 3 cây cầu bị sập hoặc hư hại.

“Các tàu ngày càng lớn hơn và các cảng container đang tập trung vào việc tăng cường vận chuyển hàng hóa. Trong khi chúng ta khuyến khích sử dụng các tàu hàng lớn hơn, chúng ta cũng cần bảo vệ các cây cầu” - ông Ananth Prasad, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xây dựng giao thông vận tải Florida (Mỹ), nói với đài CNN.

Đồng quan điểm, giáo sư về kỹ thuật xây dựng dân dụng và môi trường Joseph L. Schofer tại Đại học Northwestern cho biết: “Cây cầu ở Baltimore được đánh giá trong tình trạng “khá” và bảo đảm hoạt động an toàn trong 20 hoặc 30 năm nữa nếu không bị con tàu Dali đâm vào trụ cầu”.

Chính vì vậy, để giảm thiểu khả năng tàu đâm vào cầu, các cây cầu cần được trang bị các thiết bị giúp bảo vệ cầu. Chuyên gia Prasad cho rằng việc bổ sung các biện pháp bảo vệ này sẽ nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn so với việc xây dựng một cây cầu mới.