Vụ sập giàn giáo đường sắt trên cao qua lời kể lái xe taxi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa thoát khỏi “tử thần” sau sự cố sập giàn giáo phục vụ thi công của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông rạng sáng 28/12, anh Nguyễn Bá Dương (tài xế taxi bị nạn) vẫn chưa hết bàng hoàng.

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, anh Dương nói: “Trước hết, phía nhà thầu phải đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và phải có trách nhiệm với tài sản thiệt hại của tôi…”.
Tài xế Nguyễn Bá Dương chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị sau vụ tai nạn.
Tài xế Nguyễn Bá Dương chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị sau vụ tai nạn.
Anh Nguyễn Bá Dương (SN 1974, ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) lái xe taxi hãng Quê Lụa chia sẻ: “Thực sự, đến giờ này tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Về đến nhà, tất cả mọi người thân trong gia đình, họ hàng làng xóm đã đến rất đông chia sẻ vì tôi may mắn thoát chết. Lúc nghe thấy tiếng kêu lớn cũng là lúc cả trụ giàn giáo sập xuống, tôi cùng 3 khách nữ trên xe hét lớn và nghĩ sẽ chết, nhưng số tôi đã thoát nạn”. 

Theo tài xế taxi Dương, trước khi xảy ra tai nạn, khoảng 22h30 đêm (27/12) anh đón 3 vị khách nữ từ ngã tư Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) đi lên Từ Sơn (Bắc Ninh). Chở khách quay trở về, khi đi đến đường Trần Phú lúc đó cũng khoảng gần 4h sáng. Mấy người khách đang trò chuyện thì bất ngờ nghe một tiếng động rất lớn phía trước, theo phản xạ anh Dương phanh xe lại và chỉ trong nháy mắt, cả trụ giàn giáo đổ sập xuống đầu chiếc xe. Tiếp đó, khối sắt thép nặng hàng chục tấn đè lên phía sườn xe khiến chiếc xe bị kênh sang một bên. 

“Nếu không phanh kịp hay nhấn ga thì có lẽ tôi và 3 người khách kia đã không còn trên đời… Cùng lúc đó, tôi và mấy người khách hét toáng lên, sau đó tìm cách thoát thân. Mở các cửa nhưng đều không đẩy ra được. Một lát sau, khi tôi đang nghĩ đến việc đập cửa để cùng mọi người thoát thân thì thấy 2 công nhân từ phía ngoài chui vào, họ cầm thanh xà gồ đập vỡ kính sau, khoảng 15 phút trong sự hoảng loạn rồi được sự giúp sức của các công nhân chúng tôi lần lượt thoát ra ngoài” - anh Dương kể.

Cũng theo anh Dương, ngay sau khi được giải cứu, anh và 3 người khách được công nhân cùng nhiều người dân đưa vào nhà gần đó để trấn tĩnh lại và kiểm tra thương tích. Tất cả 4 người không bị thương, còn 3 người khách có lẽ do sợ quá nên họ vội vã bắt xe taxi khác rời hiện trường. Anh Dương cho biết thêm, chiếc taxi là “cần câu cơm” của gia đình, bây giờ bị bẹp dúm, anh mong muốn được giải quyết nhanh sự việc vì gia đình anh còn nhiều khó khăn. “Chiếc taxi là cả tài sản lớn, tôi phải vay mượn để mua cổ phần cùng công ty mới có được, giờ xảy ra như vậy tôi cũng chưa biết phía đơn vị thi công họ muốn giải quyết hậu quả như thế nào” - Tài xế taxi nói.
Vụ sập giàn giáo đường sắt trên cao qua lời kể lái xe taxi - Ảnh 1
Được biết, chiều cùng ngày phía nhà thầu, đơn vị thi công có mời anh Dương đến bàn bạc giải quyết hậu quả của vụ việc. “Khoảng 14h chiều nay, tôi ngồi bàn bạc cùng phía bên thi công. Họ muốn giải quyết nhanh nhưng thực sự là tôi vẫn chưa thống nhất được với ý kiến của họ” - Anh Dương cho biết. 

Đề cập về chiếc xe bị nạn và mong muốn của mình, lái xe Nguyễn Bá Dương bày tỏ: “Trước hết, tôi mong phía cơ quan chức năng, đặc biệt là phía cơ quan đài báo cần thông tin và cùng vào cuộc làm rõ quy trình, trách nhiệm của đơn vị thi công, nhà thầu. Chỉ trong 2 tháng mà xảy ra 2 vụ tai nạn kinh hoàng như vậy, tính mạng người đi đường, công nhân bị coi rẻ như vậy là không thể chấp nhận được. Nếu không làm rõ sự việc thì tính mạng người dân tiếp tục bị đe dọa bất cứ lúc nào. Còn về tài sản của tôi là chiếc xe ô tô, phía đơn vị thi công phải có trách nhiệm và xem xét đúng giá trị để nhanh chóng giải quyết…”.
Liên quan đến vụ tai nạn, ông Nguyễn Chí Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định cơ quan thường trực của Cục này đã liên tục tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với công trình trọng điểm trên. Lần gần đây nhất tiến hành kiểm tra là cách đây 10 ngày. Nói về nguyên nhân sự vụ, Phó Cục trưởng Nguyễn Chí Hiếu cho biết, theo đánh giá ban đầu là do giáo trống của xà mũ số 7 không đảm bảo chất lượng nên khi đang đổ bê tông thì bị sập. Còn về trách nhiệm, Bộ GTVT đã có thông cáo báo chí gửi các cơ quan thông tấn, theo đó, Nhà thầu phụ thi công là Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ và Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech) là nhà thầu chịu trách nhiệm trực tiếp.