Vụ sạt lở mỏ ngọc ở Myanmar: "Chỉ sau một phút, tất cả những người trên đồi đã biến mất"

Nguyễn Phương (Theo CBC, Guardian)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến tối ngày 2/7, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 126 nạn nhân trong vụ sạt lở nghiêm trọng tại bang Kachin, Myanmar. Tuy nhiên, số người đang mất tích nhiều hơn số người đã tử vong.

Số người thiệt mạng tiếp tục tăng
Theo thông cáo của Cơ quan Phòng cháy chữa cháy Myanmar, vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra vào sáng 2/7 tại một mỏ khai thác ngọc bích ở thị trấn Hpakant, bang Kachin.
Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 126 nạn nhân trong thảm họa tại mỏ ngọc ở bang Kachin.
Cơ quan Phòng cháy chữa cháy Myanmar cho biết, đến tối 2/7 lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 126 nạn nhân trong vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại bang Kachin. Tuy nhiên, số người đang mất tích nhiều hơn số người đã tử vong.
Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày được cho là nguyên nhân gây ra sạt lở. Trước đó, giới chức địa phương đã khuyến cáo người dân không nên tới khu vực mỏ nêu trên do thời tiết sẽ diễn biến xấu. Bùn thải từ khai thác mỏ cao tới gần 80 mét đổ sụp xuống khu mỏ lộ thiên, ập xuống hồ nước mưa bên dưới và tạo cảnh tượng như sóng thần. Đợt sóng ào tới, nhấn chìm những thợ mỏ đang làm việc ở chân núi trong nước và bùn lầy.
Video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy những người thợ mỏ đã bỏ chạy trong sự hoảng loạn khi đống phế thải màu đen cao chót vót đổ xuống hồ như một dòng thác, tạo ra đợt sóng bùn nhấn chìm những người đang đi tìm đá quý.
Anh Maung Khaing (38 tuổi), một người thợ mỏ chứng kiến vụ sạt lở kể lại rằng, khi chuẩn bị chụp ảnh đống phế thải có nguy cơ sụt lún rất cao, anh nghe thấy mọi người hét “chạy, chạy!”. “Chỉ trong một phút, tất cả những người có mặt trên đồi đã biến mất... Những người bị mắc kẹt trong bùn đã kêu cứu nhưng không ai có thể đến giúp họ”, anh Khaing nói.
Ông Tar Lin Maung - một quan chức địa phương cho biết, có nhiều người bị vùi lấp trong bùn và số thương vong sẽ tiếp tục tăng.
Than Hlaing, một thành viên trong đội cứu hộ cho biết, những người thiệt mạng trong vụ sạt lở là những người lao động tự do nhặt đá quý sót lại từ quặng của một công ty khai thác trong khu vực. Bà Hlaing nói rằng khoảng 100 người khác vẫn đang mất tích và 30 người đã phải nhập viện.
Vụ việc xảy ra vào đúng thời điểm nhiều người đang làm việc tại khu khai thác ngọc. Các lực lượng cứu nạn vẫn đang có mặt tại hiện trường để giải cứu nạn nhân bị mắc kẹt và tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên, theo cảnh sát địa phương, mưa lớn đang làm gián đoạn công tác tìm kiếm, cứu nạn và đưa nạn nhân tới bệnh viện.
Trong một tuyên bố được phát trực tuyến vào tối 2/7, Thượng tướng Min Aung Hlaing - Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Myanmar cho biết các chiến sĩ sẽ tiếp tục các nỗ lực cứu hộ khi điều kiện thời tiết cho phép.
Nguy cơ mất an toàn tại mỏ ngọc bích Myanmar
Khai thác ngọc bích là nghề nguy hiểm ở Myanmar, khi người lao động nghèo luôn phải đối mặt với nguy cơ bị sập hầm, sạt lở.
Myanmar là nơi có nhiều ngọc nhất trên thế giới. Theo dữ liệu do Chính phủ Myanmar công bố, doanh thu từ bán ngọc của nước này đạt 671 triệu euro trong 2 năm 2016 - 2017. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, giá trị thật sự của ngành công nghiệp này lớn hơn con số nêu trên rất nhiều.
Các vụ sạt lở đất gây chết người và các vụ tai nạn nghiêm trọng khác thường xuyên xảy ra tại bang Kachin, đặc biệt là khu mỏ Hpakant vì công tác quản lý yếu kém, do tình trạng bị sập từng phần của các đống phế thải quặng và các đập ngăn nước.
Vụ  sạt lở tại mỏ ngọc xảy ra hôm 2/7 là thảm họa nghiêm trọng nhất trong ngành công nghiệp khai thác đá quý của Myanmar trong vòng 5 năm gần đây.
Kết quả điều tra của tờ Guardian (Anh) về hoạt động khai thác ngọc bích Myanmar hồi đầu năm 2019 cho thấy nguy cơ sạt lở đất tại thị trấn Hpakant, giáp biên giới Trung Quốc, thường xuyên đe dọa tính mạng những công nhân khai thác ngọc bích.
Theo điều tra của Guardian, các vụ lở đất gây chết người thường xuyên xảy ra tại bang Kachin, đặc biệt là tại vùng mỏ Hpakant.
Bang Kachin được mệnh danh là vùng đất của ngọc. Nhiều người dân trên khắp Myanmar đã bất chấp nguy hiểm tại các khu mỏ trong khu vực này để săn tìm đá quý.
Nhiều công nhân khai thác mỏ ngọc bích là những lao động nghèo bất hợp pháp, sống trong các lều bạt tạm bợ. Họ đến từ khắp nơi trên đất nước Myanmar với hy vọng tìm được vận may đổi đời. "Nguy hiểm luôn rình rập những công nhân làm việc tại các mỏ " - Steven Naw từ tổ chức Mạng lưới Phát triển Kachin, cho hay.
Các mỏ ngọc bích lộ thiên tạo ra vô số hố đào tại Hpakant, khiến khu vực này có diện mạo như Mặt Trăng. Hàng chục người chết mỗi năm khi khai thác ngọc bích, ngành công nghiệp sinh lợi nhuận cao nhưng quản lý kém.
Trước vụ lở đất này, hồi cuối năm 2015 cũng tại khu mỏ Hpakant đã xảy ra một vụ lở đất tương tự làm ít nhất 100 người chết.
Bên cạnh đó, sự cố sập hầm mỏ thường xuyên xảy ra ở khu vực khai thác ngọc bích của bang Kachin. Hơn 50 người chết trong vụ sập mỏ năm ngoái và hàng chục người bị cuốn đi năm 2018./.