Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ tấn công tại lễ diễu binh: Iran cáo buộc Mỹ và nhiều nước EU liên đới

Hương Thảo (Sputnik/Washington Post)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Iran chỉ trích nhiều nước đã nuôi dưỡng các nhóm đối lập bị nghi tiến hành vụ xả súng đẫm máu tại Ahvaz hôm 22/9, trong đó có Mỹ, Israel và một số quốc gia châu Âu.

Chính phủ Iran đã triệu tập các đại sứ của 3 nước Anh, Hà Lan, Đan Mạch và chỉ trích các nước này đang dung túng cho khủng bố chống lại quốc gia này, Cơ quan Tin tức Cộng hòa Hồi giáo Iran cho biết.
Hiện trường vụ tấn công tại TP Ahvaz ở phía Tây Nam Iran. Ảnh: AFP 
Động thái này diễn ra sau khi 24 người, trong đó có một nhà báo đã bị bắn chết trong một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào đoàn diễu hành quân sự tại thành phố Ahvaz của Iran hôm 22/9.
Phong trào Dân chủ Ả Rập ở Ahvaz đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công trên.
"Không thể chấp nhận được khi các nhóm này không bị Liên minh châu Âu liệt kê là tổ chức khủng bố, miễn là chúng không thực hiện một cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nói.
Trước đó, phát ngôn viên lực lượng vũ trang Iran Abolfazl Shekarchi tuyên bố, các chiến binh đã thực hiện cuộc tấn công khủng bố này có liên quan đến Mỹ và Israel. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng cho thấy quan điểm tương tự khi miêu tả liên minh Israel - Mỹ là "các nhà tài trợ khủng bố trong khu vực và bậc thầy của họ".
Về phía Mỹ, cả Nhà Trắng lẫn Bộ Ngoại giao đều không đưa ra các tuyên bố trong vòng vài giờ đầu tiên sau vụ tấn công. Điều này được nhiều nhà quan sát đánh giá là khá bất thường.
Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cũng đã đưa ra một tuyên bố thông qua phát ngôn viên Heather Nauert nói rằng, chính phủ Mỹ đã nhận được báo cáo về cuộc tấn công tại Ahvaz.
"Chúng tôi đứng về phía người dân Iran nhằm chống lại các hành vi khủng bố Hồi giáo cực đoan và bày tỏ lòng cảm thông tới họ vào thời điểm khủng khiếp này", bà Nauert nói.
Mối quan hệ giữa Tehran và Washington vài năm qua vô cùng căng thẳng trong nhiều vấn đề, bao gồm chương trình hạt nhân của Iran và sự tham gia của Mỹ tại Trung Đông. Hai quốc gia đã không có quan hệ ngoại giao chính thức từ năm 1980.
Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ này lại càng trở nên xấu đi khi nhà lãnh đạo Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã được ký với Iran và một số quốc gia khác dưới thời Tổng thống Barack Obama, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran.
Một số quan chức Iran, bao gồm Tổng thống Hassan Rouhani, dự kiến ​​sẽ đến New York vào tuần tới cho các cuộc họp cấp cao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đáng chú ý, chính quyền Trump đã bất ngờ ngỏ ý xem xét một cuộc gặp thượng đỉnh với Iran, như một sự kiện bên lề của phiên họp này, nếu ông Rouhani đề xuất, đại sứ Mỹ tại LHQ cho biết hôm 20/9.