Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ “Thái tử” Samsung bị bắt giữ: Hồi kết cho quan hệ ngầm chaebol – chính phủ?

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc "Thái tử" Samsung bị bắt, do vướng vào vụ bê bối liên quan tới Tổng thống Park Geun-hye khiến "ông lớn" ngành điện tử Hàn Quốc đối mặt với tương lai u ám và khiến nhiều chaebol khác lo sợ.

Sáng 17/2 (giờ địa phương), Tòa án Trung tâm quận Seoul đã ra lệnh bắt giữ Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong nhằm làm rõ cáo buộc liên quan tới bê bối của bạn thân Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye (còn gọi bê bối Choigate).
 Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong trong phiên điều trần trước Tòa án Trung tâm quận Seoul ngày 18/1.

Phó Chủ tịch Lee Jae-yong còn được gọi là “thái tử” Samsung từ chỗ là nhà tài phiệt thế hệ thứ ba thành công nhất của Hàn Quốc bị vướng vào vòng lao lý do dính cáo buộc hối lộ bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống để đổi lấy lợi ích trong kinh doanh. Dù đại diện Samsung khẳng định, vụ việc không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh do tập đoàn này được điều hành bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp. Song, giới phân tích cho rằng, điều này sẽ gây tác động lớn đến việc “ra những quyết định chiến lược” tại tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Chỉ tính riêng năm 2016, doanh số bán hàng và lợi nhuận của tập đoàn này lên tới Hàn Quốc 201 nghìn tỷ Won (khoảng 172 tỷ USD), giúp Samsung củng cố vị trí "trụ đỡ" của nền kinh tế Hàn Quốc. Ngay sau khi tin tức về việc bắt giữ ông Lee được công bố, cổ phiếu của Samsung đã có lúc mất tới 1,8%, các công ty khác thuộc Samsung Group bao gồm Samsung C&T và Samsung Engineering cũng giảm lần lượt 2,7% và 0,8%. Trong khi đó, trên thị trường chung của Hàn Quốc, chỉ số Kospi đã giảm 0,2%, do các nhà đầu tư bất an về tương lai của Samsung và các tập đoàn lớn (chaebol) khác.

Câu chuyện về doanh nhân Lee Jae-yong từ lúc tiếp nhận quyền điều hành tập đoàn đến lúc bị bắt là một vở kịch điển hình được diễn đi diễn lại của Samsung và các chaebol khác. Trong nhiều năm qua, gia tộc họ Lee và các chaebol khác thường xuyên bị cáo buộc trốn thuế, hối lộ các đời Tổng thống và các quan chức chính phủ, thoái thác trách nhiệm trước thua lỗ của các công ty thành viên... Vì thế, quyết định bắt giữ “thái tử” Samsung khiến các chaebol khác phải “lạnh gáy” do có tới 52 doanh nghiệp đã đóng góp hàng chục tỷ USD cho các quỹ của bà Choi. Nếu lãnh đạo của các tập đoàn này cùng chịu chung số phận với ông Lee, không ai dám chắc thị trường chứng khoán và hoạt động kinh tế của Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những sóng gió nào.

Việc ông Lee Jae-yong bị bắt khiến những chính trị gia vẫn ủng hộ Tổng thống “sốc nặng” vì động thái này có thể coi là một bước ngoặt, có thể hé lộ những tình tiết quan trọng tác động trực tiếp tới tiến trình điều tra bê bối Choigate. Diễn biến này cho thấy giới tư pháp đang quyết tâm hoàn thành việc điều tra trước khi Nhóm Công tố viên đặc biết bị giải tán vào ngày 28/2. Lập luận này được củng cố khi Tòa án Hiến pháp tuần sau sẽ tổ chức phiên điều trần cuối cùng trước khi đưa ra quyết định thông qua việc luận tội bà Park Geun-hye. Vì thế, dù có thể là “cú sốc” lớn đối với giới kinh doanh, nhưng các nhà bình luận cho rằng, vụ bắt "thái tử" Samsung là cơ hội tốt có thể làm “lung lay” mối quan hệ ngầm giữa chaebol và chính giới Hàn Quốc.

Box: Ngoài "cú sốc" Samsung, thị trường chứng khoán Hàn Quốc còn nhận thêm tin xấu khác khi Tòa án Trung tâm quận Seoul chính thức tuyên bố hãng vận tải biển Hanjin phá sản, chấm dứt hoạt động sau 40 năm và báo trước một sự thay đổi cơ bản trong ngành vận tải biển của đất nước này.