Vụ tham nhũng tại Agribank Nam Hà Nội: Luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, phiên xét xử “đại án” tham nhũng tại Agribank Chi nhánh...

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, phiên xét xử “đại án” tham nhũng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội gây thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng bước sang ngày làm việc thứ 6 với phần bào chữa của các luật sư.

Tại phiên tòa, hầu hết các luật sư đều cho rằng thân chủ của họ không phạm tội.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Theo đó, khi bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Bích Lương - nguyên Giám đốc Agribank Nam Hà Nội, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, mức án đề nghị đối với bị cáo là quá nặng vì không đủ cơ sở quy kết tội đối với bị cáo. Theo luận điểm của luật sư, vụ án có một số tài liệu không được đưa vào vụ án, một số bút lục là ngoại ngữ không được dịch ra tiếng Việt… Ngoài ra, trong tài khoản của nhóm đối tượng người nước ngoài còn 80 triệu USD tại ngân hàng ở Marocco và hiện chưa có tài liệu nào thể hiện số tiền trên không còn. Vì vậy, luật sư cho rằng, cần có biện pháp thu hồi số tiền này để giảm trừ thiệt hại cho các bị cáo. Ngoài ra, luật sư còn trình bày một số quan điểm như: Kết quả tương trợ tư pháp không được đưa vào hồ sơ của vụ án; Một số vấn đề có lợi cho bị cáo không được đưa vào vụ án; Đề nghị đưa công ty được thuê thẩm định giá 6 thương hiệu vào tham gia tố tụng để làm rõ trách nhiệm của Cục Sở hữu trí tuệ trong hành vi liên quan đến thẩm định. Còn đối với chiếc xe Bentley, bị cáo Lương có những giấy tờ chứng minh tài sản này bị cáo nhờ đối tượng nước ngoài mua và đây là tài sản chung, hợp pháp của vợ chồng bị cáo.

Cũng tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Chử Thị Kim Hiền - nguyên Phó Giám đốc Agribank Nam Hà Nội cũng cho rằng, cáo buộc truy tố bị cáo vi phạm quy định là không thỏa đáng bởi việc thực hiện lập tờ trình nâng phán quyết phụ thuộc vào kết quả thẩm định, hợp đồng… và hồ sơ này phải đầy đủ mới có thể được thông qua theo quy định. Do vậy, việc giải ngân khoản tiền từ việc nâng quyền phán quyết là không vi phạm pháp luật. Còn đối với hành vi bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, luật sư cho hay, bị cáo đã không có sự vụ lợi. Việc nâng quyền phán quyết đối với 2 công ty của bị cáo Lê Minh Hiếu, bị cáo Hiền không có hành vi can thiệp vào.

Cũng là hướng bào chữa không phạm tội, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Thanh Tân - nguyên Tổng Giám đốc Agribank cho rằng, bị cáo không phạm tội và đã làm hết trách nhiệm. Theo trình bày của luật sư, khi chi nhánh ngân hàng trình nâng quyền phán quyết và tài liệu được đặt lên bàn bị cáo Tân thì đã được các ban tham mưu giúp việc kiểm tra thẩm định. Nếu hồ sơ đúng quy trình, bị cáo Tân có nhiệm vụ trình lên HĐQT để hội đồng đưa ra phán quyết. Như vậy, với vai trò Tổng Giám đốc, bị cáo Tân đã hoàn thành nhiệm vụ. Trước đó, trong phần tự bào chữa, bị cáo Tân khẳng định, khi chi nhánh gửi văn bản đề xuất nâng quyền phán quyết cho vay nghĩa là văn bản đó đã trải qua các đơn vị chuyên môn thẩm định. Nếu hồ sơ không đúng quy định, các ban tham mưu sẽ trả lại cho Agribank Nam Hà Nội.

Tiếp đó, khi bào chữa cho bị cáo Hoàng Thị Thu Hiền - nguyên Trưởng phòng Tín dụng Agribank Nam Hà Nội, luật sư Trần Chí Thanh cho rằng, cần miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo này. Theo lý giải của luật sư, thời điểm còn đương chức, khi phát hiện dấu hiệu bất ổn, bị cáo Hiền đã có văn bản gửi Giám đốc Agribank Nam Hà Nội là bị cáo Lương đề nghị kiểm tra toàn bộ Dự án dệt – nhuộm – may nhưng không được chấp nhận. Vì sự “đấu tranh” này, ngay sau đó, bị cáo Hiền đã bị chuyển vị  trí công tác. Còn giải thích chuyện các chữ ký của bị cáo Hiền, luật sư Thanh cho hay, cơ quan chức năng cần xem xét thấu đáo nguyên nhân xảy ra hậu quả. Bởi trên thực tế, bị cáo Hiền đã nhiều lần thể hiện bằng văn bản, thậm chí báo cáo Chi bộ về Dự án của Công ty Enzo Việt.