Vụ thiệt hại hơn 500 tỷ đồng tại Ethanol Phú Thọ: Nhiều bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/9, trước khi vào nghị án, HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội đã cho các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ được nói lời sau cùng. Nhiều bị cáo đã xin HĐXX phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt…

Trong lời nói sau cùng trước HĐXX, bị cáo Vũ Thanh Hà - cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) mong HĐXX xem xét có tình, có lý những nội dung bị cáo và luật sư của bị cáo đã trình bày. Bị cáo mong HĐXX xem xét cặn kẽ phần trình bày của bị cáo và các Luật sư để cho hưởng mức án như luật sư đã đề nghị.
 Các bị cáo tại phiên toà.
Bị cáo Phạm Xuân Diệu - cựu Tổng Giám đốc PVC trình bày, cả đời công tác rất tận tâm, tận tụy, luôn cống hiến, vì sự phát triển của đất nước. Nay bị cáo tuổi cao, sức yếu, lại đang phụng dưỡng mẹ già, thờ cúng liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bị cáo chỉ vì mong muốn tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện chỉ đạo của cấp trên mà vướng vào vòng lao lý. Do đó, bị cáo Diệu mong HĐXX xem xét.
Còn bị cáo Lê Thanh Thái - cựu Trưởng phòng Kinh doanh PVB cho biết, bản thân sinh ra trong gia đình cách mạng, bố mẹ cống hiến cho cách mạng, hai vợ chồng làm công ăn lương và khi công tác bị cáo luôn cống hiến, làm việc trách nhiệm cao, đạt nhiều thành tích. Bị cáo cũng cảm thấy đau sót khi Dự án Ethanol Phú Thọ không thể hoàn thành và đề nghị HĐXX giảm nhẹ cho bị cáo hưởng án treo, miễn trách nhiệm dân sự.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Xuân Thủy - cựu Phó trưởng phòng Đầu tư dự án PVB cho biết, bị cáo chỉ là người làm công ăn lương và tha thiết xin HĐXX xem xét công tâm, khách quan, chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Hai bị cáo còn lại đều mong muốn HĐXX miễn trách nhiệm dân sự và án phí dân sự cho bị cáo.
Trong phiên tòa chiều nay, ông Kiều Đào Lâm - Giám đốc Công ty Mai Phương tiếp tục mong muốn biết được quan điểm của toà. Ông Lâm khẳng định lại, để mua lại mảnh đất, ông phải vay mượn và phải đầu tư thêm 5 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa nhà trên khu đất. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống gia đình và con cái. Hiện, ông Lâm đã vay đủ số tiền hơn 13 tỷ đồng. Nếu HĐXX chấp thuận, Công ty Mai Phương xin phép được nộp ngay số tiền này để bồi thường thay cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh để khắc phục hậu quả cho PVC.
Trình bày trước HĐXX, đại diện Công ty Mai Phương cho rằng, đại diện Viện KSND có quan điểm về hướng giải quyết lô đất như trên là chưa thấu đáo. Việc bán lô đất trên là ngay tình, ông Đào Kiều Lâm đã phải huy động, vay mượn tiền để mua. Theo đại diện Công ty Mai Phương, thực tế PVC không thể là chủ sở hữu của lô đất và lô đất này không phải là vật chứng của vụ án. Tại thời điểm khởi tố vụ án, số tiền góp vốn của PVC vào PVC Kinh Bắc đã chuyển thành tài sản là lô đất.
 
Do đó, phía Công ty đề nghị toà xem xét yếu tố người thứ 3 ngay tình là Công ty Mai Phương. Ngoài ra, không có hồ sơ chứng minh việc Đỗ Minh Hồng, cựu Giám đốc PVC Kinh Bắc, dùng tiền tạm ứng để mua mảnh đất trên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần