Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ thuê chặt chân tay: Chỉ là 1 trong 8.000 vụ trục lợi bảo hiểm mỗi năm

Chia sẻ Zalo

Trung bình mỗi năm có tới 8.000 vụ trục lợi bảo hiểm, tốc độ gia tăng nhanh chóng tới hơn 30% số vụ trục lợi hàng năm.

Mặc dù, tội danh này đã được đưa vào Bộ luật Hình sự sửa đổi, có thể bị phạt tù 5-10 năm tù nhưng các gói bảo hiểm tiền tỷ vẫn được cho là những món "mồi ngon" của các đối tượng.

Trong tuần vừa qua, vụ việc một người phụ nữ là Lý T.N. 30 tuổi tại Phúc Thọ, Hà Nội thuê người để chặt chân, tay mình nhằm hưởng tiền bồi thường bảo hiểm lên tới 3,5 tỷ đồng đã gây rúng động dư luận cả nước.

Cấu kết với cán bộ địa phương để trục lợi bảo hiểm

Mặc dù đây không phải là vụ trục lợi bảo hiểm đầu tiên nhưng với tính chất của vụ việc, một lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, việc tự chặt chân, tay để trục lợi thì "xưa tới nay mới thấy lần đầu."

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, số vụ trục lợi đang gia tăng nhanh trong thời gian gần đây, trong đó, bảo hiểm xe cơ giới và sức khỏe là hai lĩnh vực được các đối tượng "nhắm" tới khá nhiều.
Rất nhiều chiêu bài trục lợi bảo hiểm nhưng thuê người chặt chân tay để đòi bồi thường đúng là xưa nay hiếm (ảnh: CAND)
Rất nhiều chiêu bài trục lợi bảo hiểm nhưng thuê người chặt chân tay để đòi bồi thường đúng là xưa nay hiếm (ảnh: CAND)
Ông Lộc kể, từng có trường hợp một phụ nữ ở Phú Thọ biết chồng bị bệnh khó qua khỏi liền mua bảo hiểm của 5 công ty bảo hiểm khác nhau, chỉ 1 tháng sau đó, người chồng qua đời thì người vợ liền tới các công ty bảo hiểm đòi tiền bồi thường.

Trong quá khứ, ở Vũng Tàu từng có chuyện người nhà của một người bảo hiểm đã mất yêu cầu công ty bảo hiểm xử lý bồi thường, thời gian tử vong xảy ra sau đúng 1 tuần tham gia hợp đồng. Vụ việc chỉ được làm sáng tỏ khi nhân viên công ty bảo hiểm đến tận nghĩa trang để tìm đọc thông tin trên ngôi mộ xác minh ngày giờ mất và phát hiện gia đình người đã mất móc nối với chính quyền địa phương đẩy lùi ngày làm giấy chứng tử, rồi tiền hành mua bảo hiểm cho người đã chết.

Thậm chí, khoảng 10 năm trước cũng từng có vụ trục lợi bảo hiểm dưới dạng cấu kết với chính quyền xã cung cấp giấy chứng tử cho người thân bị mất tích, rồi làm đám ma, làm mồ giả. Qua đó cho thấy, trục lợi bảo hiểm diễn ra phổ biến và chỉ là 1 trong hàng nghìn vụ việc mỗi năm.

Tại AIA, các nhân viên và khách hàng thường được nghe tới một trường hợp điển hình: Khách hàng P tham gia bảo hiểm. Căn cứ vào các thông tin mà khách hàng cung cấp trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp thuận bảo hiểm cho khách hàng này theo đúng trình tự thủ tục.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực thì khách hàng yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm bênh hiểm nghèo – bệnh phổi mạn tính. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp bảo hiểm tìm hiểu thêm thông tin và thu thập được bằng chứng: trước khi tham gia bảo hiểm khoảng 8 tháng, khách hàng đã nhập viện với chẩn đoán “viêm phổi/hở van 2 lá”, trong tiền sử bệnh có ghi “đã điều trị lao phổi cách đây 3 năm”. Trường hợp này bị từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Còn tại Bảo Việt Nhân thọ, công ty này đã đưa ra những trường hợp trục lợi bảo hiểm phổ biến trên thực tế thường biểu hiện ở những hành vi như không đến khám chữa bệnh nhưng giả mạo chứng từ y tế để được hưởng tiền bảo hiểm; hoặc cấu kết với cá nhân/tổ chức y tế như bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược phẩm... để phát hành chứng từ y tế không đúng với thương tật, bệnh tật, tình trạng sức khỏe thực tế.

Để tránh bị trục lợi, công ty này nêu rõ với khách hàng khi phát hiện những dấu hiệu nói trên sẽ tiến hành xác minh hồ sơ tại các cơ quan chức năng liên quan và nếu kết quả thể hiện người đóng bảo hiểm trục lợi bảo hiểm hoặc không đến giám định theo thông báo thì công ty sẽ từ chối bồi thường, đồng thời xóa tên ra khỏi danh sách bảo hiểm, không hoàn phí bảo hiểm.

Đặc biệt, với những trường hợp trục lợi bảo hiểm có tính chất nghiêm trọng hoặc lặp lại nhiều lần, bên cạnh việc từ chối bồi thường, Bảo Việt tuyên bố thẳng là sẽ chuyển vụ việc tới cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.

Năm 2013, Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã nêu danh tính của 3 cơ sở y tế có hành vi cấu kết với người đóng bảo hiểm để trục lợi bảo hiểm và không được công ty này chấp nhận bồi thường.

Số vụ trục lợi bảo hiểm tăng 31,3%/năm

Báo cáo của cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, trong giai đoạn 2007- 2014 cho thấy, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,3%/năm (bình quân mỗi năm 8.000 vụ).

Tổng số tiền trục lợi giai đoạn này khoảng 850 tỷ đồng, trung bình gần 110 tỷ đồng/năm. Đấy là chưa tính đến những hồ sơ bồi thường có dấu hiệu trục lợi nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi trả, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp bảo hiểm, gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Có những doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn, số vụ trục lợi lên đến con số 2.000 vụ/năm.

Trước đây, khi xảy ra trục lợi bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng thông thường sẽ làm việc và dàn xếp với nhau. Tuy nhiên, mới đây, tội trục lợi bảo hiểm đã được đưa vào quy định tại điều 223, Bộ luật Hình sự sửa đổi. Theo đó, nếu có hành vi trục lợi số tiền bảo hiểm có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm... thì sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Phùng Đắc Lộc, dù có chế tài, các gói bảo hiểm bồi thường tiền tỷ vẫn là những miếng mồi ngon với những kẻ trục lợi. Do vậy, dù phạt đi tù hay thậm chí nặng hơn, có thể vẫn có những người bất chấp để thực hiện hành vi của mình.

Còn theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TPHCM, dù có xử lý thế nào thì trước tiên các doanh nghiệp bảo hiểm phải tự cứu mình trước. Theo đó, phải đảm bảo chặt chẽ từ khâu khai thác, bán hàng đến khâu bồi thường; khi có tai nạn xảy ra phải kịp thời đến hiện trường ghi nhận.